Đề xuất chuyển tiếp cơ chế đặc thù cho các thành phố lớn sau sáp nhập
Ngày 19/5, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chính phủ trình Quốc hội việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế đặc thù tại một số địa phương sau khi thực hiện sáp nhập, sắp xếp chính quyền địa phương.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình của Chính phủ gửi Quốc hội về việc chuyển tiếp áp dụng một số cơ chế đặc thù tại một số địa phương sau khi thực hiện sắp xếp bộ máy, mở rộng địa giới hành chính theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép 5 địa phương: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM, Cần Thơ sau khi thực hiện sáp nhập với các tỉnh thành khác được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện tương ứng tại các địa phương trước khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Riêng với TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Chính phủ đề nghị cho phép các xã phường mới tương ứng tại địa bàn thành phố sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thực hiện với TP.Buôn Ma Thuột.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Nghị quyết 60 Hội nghị TƯ 11 khóa XIII đã quyết nghị xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp xã); kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện và phương án sáp nhập tỉnh, thành từ 63 tỉnh còn 34 tỉnh, thành.
Tính đến nay, cả nước có 10 địa phương đang được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù theo các luật, nghị quyết riêng của Quốc hội. Thực hiện việc sáp nhập tỉnh, thành đã được TƯ Đảng thông qua, sẽ có 6 địa phương thực hiện sáp nhập, hợp nhất với các tỉnh, thành khác là: Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đắk Lắk (liên quan đến TP.Buôn Ma Thuột), TP.HCM và TP.Cần Thơ.
Đáng chú ý, Hải Phòng là thành phố cảng, công nghiệp, dịch vụ logistics. Trong khi đó, Đà Nẵng là trung tâm du lịch, dịch vụ, công nghệ cao. Khánh Hòa chú trọng phát triển kinh tế biển, du lịch biển. Còn TP.HCM là đầu tàu kinh tế của cả nước và Cần Thơ là trung tâm động lực của vùng ĐBSCL.
“Việc duy trì các cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương đang áp dụng, sau khi sáp nhập và sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp sẽ tạo điều kiện để tạo động lực tăng trưởng mới, sức bật cho các địa phương”, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nêu.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép các địa phương sau sáp nhập, gồm Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP.HCM và Cần Thơ được tiếp tục thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù trước đây.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, cơ quan thẩm tra tán thành với các chủ trương được đề xuất.
Tuy vậy, Ủy ban Kinh tế và Tài chính cho rằng việc cho phép chuyển tiếp áp dụng một số chính sách đặc thù tại địa phương sau sắp xếp đơn vị hành chính ngoài mở rộng phạm vi áp dụng cơ chế, còn liên quan đến kinh tế, ngân sách (nguồn lực thực hiện, các chính sách thu - chi ngân sách). Do đó, Ủy ban này đề nghị Chính phủ đánh giá tác động chính sách, bảo đảm giữ nguyên tắc cân đối thu chi theo Luật Ngân sách Nhà nước.
Với các thành phố áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù sáp nhập vào các tỉnh, cần xác định lại tỷ lệ điều tiết để hạch toán, phân chia ngân sách trung ương - địa phương.
Theo phương án sáp nhập tỉnh, thành đã được TƯ Đảng thông qua, TP.HCM được quyết định sáp nhập với Bà Rịa - Vũng Tàu và tỉnh Bình Dương, tên sau sáp nhập là TP.HCM.
Hải Phòng sẽ sáp nhập với Hải Dương, tên sau sáp nhập là TP.Hải Phòng.
Đà Nẵng sẽ sáp nhập với tỉnh Quảng Nam, tên sau sáp nhập là TP.Đà Nẵng.
Khánh Hòa sẽ sáp nhập với tỉnh Ninh thuận, tên sau sáp nhập là Khánh Hòa.
Đắk Lắk sẽ sáp nhập với tỉnh Phú Yên, tên tỉnh sau sáp nhập là Đắk Lắk.