Chiến lược công nghệ cao của Bình Định: Tầm nhìn mới cho phát triển địa phương
Bình Định đặt mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng quan trọng của Việt Nam vào năm 2030.

UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành kế hoạch triển khai đề án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng, giai đoạn 2025–2030. Đây là bước đi cụ thể hóa định hướng đưa tỉnh trở thành cực tăng trưởng mới của khu vực miền Trung, trong bối cảnh nền kinh tế số và công nghiệp công nghệ cao ngày càng đóng vai trò then chốt.
Theo kế hoạch, Bình Định sẽ tập trung nguồn lực để xây dựng Quy Nhơn trở thành trung tâm AI của Việt Nam, đồng thời phát triển thương hiệu AI có uy tín trong khu vực. Địa phương cũng đặt mục tiêu đào tạo, thu hút ít nhất 7.500 nhân lực trong các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và an toàn, an ninh mạng.
Dự kiến, tỉnh sẽ xây dựng 1 Trung tâm đổi mới sáng tạo về AI, thúc đẩy ứng dụng AI sâu rộng trong các cơ quan nhà nước và các lĩnh vực khác; phát triển Khu Công viên Phần mềm Quang Trung - Bình Định thành khu công nghiệp công nghệ số tập trung, đặc biệt về AI và bán dẫn
Tỉnh cũng triển khai mạng băng rộng di động 5G phủ sóng 100% dân số, nâng cao khả năng kết nối và truyền tải dữ liệu; xây dựng Quy Nhơn thành nút giao thông quan trọng quốc gia trên các tuyến cáp quang biển, góp phần đảm bảo tính liên tục và bảo mật cho hệ thống dữ liệu quốc gia.
Bên cạnh đó, địa phương cũng xây dựng một trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao tại Bình Định, hỗ trợ các ứng dụng AI và các ngành công nghệ khác, góp phần vào phát triển kinh tế bền vững và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội
Được biết, với hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ cùng chính sách thu hút đầu tư cởi mở, Bình Định đã trở thành một trong những địa phương hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư; đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, AI, logistics và công nghiệp chế biến - chế tạo.
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho hay, tỉnh này đã hình thành các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến. Trong đó, dấu ấn quan trọng là việc xây dựng Khu đô thị khoa học Quy Hòa - Thung lũng sáng tạo Quy Nhơn với quy mô 242 ha.
Hạt nhân của khu đô thị này là Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE), nơi quy tụ Hội đồng Quốc tế bảo trợ cấp cao về khoa học, gồm: 9 Giáo sư đạt giải Nobel và 1 Giáo sư đạt giải Fields…
Song song đó, Bình Định còn đẩy mạnh đầu tư phát triển các trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ với nhiều dự án quy mô lớn, như: Công viên Sáng tạo TMA (diện tích 10,25 ha); Tổ hợp Trung tâm nghiên cứu, sản xuất và đào tạo chuyên gia công nghệ FPT tại Quy Nhơn (15,99 ha); Trung tâm Trí tuệ Nhân tạo - Đô thị phụ trợ Bình Định (93,24 ha); Khu công nghệ số tập trung tại Long Vân, TP. Quy Nhơn (177 ha, đang hình thành).