Dự án

Quyết tâm đưa dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 đi vào hoạt động vào cuối năm 2025

Tùng Hà 24/05/2025 09:49

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình yêu cầu các cơ quan chức năng phải khắc phục bằng được những tồn tại hạn chế để tiếp tục đầu tư; quyết tâm đưa dự án Bệnh viện (BV) Bạch Mai, BV Việt Đức cơ sở 2 đi vào hoạt động vào cuối năm nay.

Quyết tâm đưa dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 đi vào hoạt động vào cuối năm 2025- Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thị sát, kiểm tra Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 BV Bạch Mai - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Chiều 23/5, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đã trực tiếp đi kiểm tra, thị sát và làm việc với các bên liên quan về tiến độ triển khai hai Dự án cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai tại tỉnh Hà Nam – hai dự án trọng điểm, được kỳ vọng góp phần giải quyết tình trạng quá tải bệnh viện tại Hà Nội.

Hai dự án trọng điểm bị đình trệ 6–7 năm

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hai dự án này nằm trong nhóm 5 bệnh viện trọng điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 125/QĐ-TTg ngày 16/01/2014. Tuy nhiên, đến nay chỉ có ba dự án tại TP.HCM đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Riêng hai dự án cơ sở 2 của Bạch Mai và Việt Đức tại Hà Nam bị vướng mắc, đình trệ, phải tạm dừng thi công từ ngày 1/1/2021.

Tính đến thời điểm dừng thi công, Dự án BV Bạch Mai cơ sở 2 đã hoàn thành 97,8% giá trị hợp đồng, giải ngân 57,2% vốn; Dự án BV Việt Đức cơ sở 2 hoàn thành 86,3% giá trị hợp đồng, giải ngân 55,7% vốn. Tuy nhiên, để hoàn thiện toàn bộ, hai dự án vẫn cần bổ sung hơn 3.917 tỷ đồng vốn.

Triển khai trở lại theo Nghị quyết 34/NQ-CP

Thực hiện Nghị quyết 34/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch 256/KH-BYT, phân công cụ thể trách nhiệm từng đơn vị và đưa ra mốc thời gian hoàn thành từng hạng mục. Mỗi dự án được chia thành 5 gói thầu xây lắp chính: công trình chính; hạ tầng kỹ thuật; trạm xử lý rác thải; hệ thống công nghệ thông tin và thiết bị thông dụng.

Theo đánh giá, ngoại trừ Tổng Công ty 36 đang chậm tiến độ tại dự án Bạch Mai cơ sở 2, các nhà thầu khác như Tổng công ty Xây dựng Hà Nội–Hồng Hà (dự án Việt Đức), Công ty AIC-Mofa, Tập đoàn VNPT-CIDTT... cơ bản đảm bảo tiến độ.

Về thiết bị y tế, Bộ Y tế đã phê duyệt điều chỉnh danh mục thiết bị, đang chỉ đạo hoàn tất thủ tục để tổ chức đấu thầu, đảm bảo hoàn thành lắp đặt trong năm 2025. Song song đó, hai bệnh viện cũng đã xây dựng đề án hoạt động và phương án nhân sự cho giai đoạn vận hành.

Quyết tâm đưa dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 đi vào hoạt động vào cuối năm 2025- Ảnh 2.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trao đổi khi thị sát, kiểm tra Dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 BV Bạch Mai - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Vướng mắc lớn về dự toán, vốn và tâm lý e ngại

Dù có chuyển biến, dự án vẫn gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể, công tác lập và thẩm tra dự toán kỹ thuật hạng mục cơ điện hiện đang chậm từ 45–75 ngày so với kế hoạch. Các nhà thầu khó tiếp cận vốn tín dụng do ảnh hưởng của kết luận thanh tra. Ngoài ra, nhà cung cấp vật tư, vật liệu e ngại hoặc yêu cầu thanh toán trước khi giao hàng.

Giá nguyên vật liệu, nhân công tăng cao cũng là áp lực lớn khiến nguy cơ đội vốn. Trong khi đó, cả hai bệnh viện đòi hỏi nguồn nhân lực, chi phí vận hành lớn, nên nếu không có cơ chế hỗ trợ thì sẽ gặp khó khăn khi đưa vào khai thác.

Tại buổi làm việc sau kiểm tra, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh: "Hai dự án quan trọng này đã bị trễ tiến độ tới 6–7 năm, gây lãng phí lớn và ảnh hưởng lòng tin nhân dân. Chúng ta phải quyết tâm khắc phục bằng được để đưa vào vận hành trong năm nay, đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư."

Phó Thủ tướng cho rằng, dù có sai phạm ở đâu thì phải xử lý nghiêm theo pháp luật, nhưng "công trình không có lỗi". Do đó, việc đầu tư phải tiếp tục, đúng quy định, không để phát sinh vi phạm mới. Ông yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nhưng tuyệt đối không làm ẩu, không để xảy ra tiêu cực, lãng phí.

Liên quan vướng mắc thanh toán giữa Bộ Y tế và đơn vị tư vấn thiết kế nước ngoài (Công ty VK – Vương quốc Bỉ), Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp xử lý dứt điểm. Đồng thời, các bộ, ngành cần hỗ trợ thẩm định, phê duyệt các hạng mục còn lại; Bộ Tài chính khẩn trương trình điều chỉnh kế hoạch vốn để bổ sung kịp thời.

Ngân hàng Nhà nước được đề nghị chỉ đạo các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ dòng vốn cho nhà thầu.

Quyết tâm đưa dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 đi vào hoạt động vào cuối năm 2025- Ảnh 3.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình thị sát, kiểm tra Dự án cơ sở 2 BV Việt Đức - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Không thể có "Bạch Mai loại 2, Việt Đức loại 2"

Một trong những yêu cầu then chốt của Phó Thủ tướng là đảm bảo chất lượng bệnh viện sau khi hoàn thành phải tương đương với cơ sở chính tại Hà Nội. "Không thể có chuyện BV Bạch Mai cơ sở 2 là Bạch Mai loại 2, hay Việt Đức loại 2", ông nhấn mạnh.

Do đó, việc chuẩn bị nguồn nhân lực, đào tạo đội ngũ, cơ chế vận hành phải được thực hiện song song với hoàn thiện xây dựng và lắp đặt thiết bị. Tinh thần chung là “vỏ” và “ruột” của bệnh viện phải được đầu tư đồng bộ, chất lượng cao.

Kỳ vọng của người dân và nhiệm vụ chính trị đặc biệt

Cơ sở 2 BV Việt Đức và Bạch Mai là hai bệnh viện tuyến Trung ương hiện đại, khi đi vào hoạt động sẽ giúp giảm tải cho bệnh viện nội đô Hà Nội, nâng cao chất lượng điều trị và tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân các tỉnh phía Bắc.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình khẳng định đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng mà Chính phủ và Bộ Chính trị giao phó. "Chúng ta phải làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất, nỗ lực lớn nhất để hoàn thành vào cuối năm nay", ông nhấn mạnh.

Quyết tâm đưa dự án Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức cơ sở 2 đi vào hoạt động vào cuối năm 2025- Ảnh 5.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình tại Dự án cơ sở 2 BV Việt Đức - Ảnh: VGP/Nguyễn Hoàng

Tùng Hà