Bất động sản

Bất động sản cần giải pháp mạnh và thực chất hơn

Nguyên Bình 25/05/2025 09:26

Chính phủ yêu cầu đánh thuế đất hoang, bất động sản bỏ không, phát triển nhà ở xã hội và minh bạch hóa thị trường.

Trong Thông báo số 256 ngày 23/5/2025, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp chuyên đề về thị trường bất động sản. Cuộc họp vừa diễn ra trong bối cảnh thị trường bất động sản tiếp tục gặp khó khăn dù Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ.

anh-minhohoa.jpg
Ảnh minh họa

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Bất động sản là một mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất – tín dụng – thị trường vốn – lao động. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn đang đối diện với nhiều bất cập: thiếu nguồn cung, giá nhà tăng nhanh hơn thu nhập người dân, khả năng tiếp cận nhà ở của đại bộ phận dân cư còn thấp.

Xem xét đánh thuế đất hoang, dự án treo

Để khắc phục tình trạng bất cân đối cung – cầu và bất hợp lý về giá cả, Phó Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu những giải pháp "mạnh và thực chất hơn". Cụ thể, đất đai bị bỏ hoang, dự án treo kéo dài cần được xem xét thu hồi hoặc áp dụng mức thuế cao để hạn chế lãng phí tài nguyên. Đồng thời, chính sách thuế cần phân biệt rõ giữa người sử dụng hợp pháp và hành vi đầu cơ bất động sản.

Bộ Tài chính được giao phối hợp với Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu các sắc thuế mới, bao gồm: thuế đất hoang hóa, thuế với dự án chậm triển khai, thuế chuyển nhượng bất động sản, thuế trên bất động sản thứ hai, và cơ chế thuế theo thời gian sở hữu nhằm ngăn chặn đầu cơ.

Bên cạnh đó, cần rà soát để tránh hiện tượng "thuế chồng thuế", đồng thời tạo hành lang pháp lý minh bạch, ổn định cho người dân và doanh nghiệp tham gia thị trường.

Phát triển dữ liệu giá đất và nhà ở xã hội

Một nhiệm vụ quan trọng khác được Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường là hoàn thiện cơ sở dữ liệu giá đất đến từng thửa đất. Trên cơ sở đó, tiến tới xây dựng một mức giá đất thống nhất, là căn cứ để ban hành chính sách thuế công bằng, chống đầu cơ và hạn chế đẩy giá vô tội vạ.

Đồng thời, Bộ này cần phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát các quy định liên quan đến định giá, thủ tục hành chính và tiếp cận đất đai, trình Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi trong tháng 6 tới.

Trong khi đó, Bộ Xây dựng được yêu cầu khẩn trương xây dựng hệ thống dữ liệu quốc gia về thị trường bất động sản – bao gồm thông tin giao dịch, giá cả, cung – cầu. Cơ sở dữ liệu này sẽ giúp Nhà nước chủ động điều tiết thị trường thông qua quy hoạch, điều chỉnh tiến độ – cơ cấu dự án, và áp dụng chính sách phù hợp từng giai đoạn.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng cần ban hành thiết kế mẫu nhà ở xã hội, mở rộng đối tượng thụ hưởng và đa dạng hóa hình thức tiếp cận như thuê, thuê mua và mua. Song song, nghiên cứu phát triển các trung tâm giao dịch bất động sản tại từng địa phương và tích hợp thủ tục đầu tư – thẩm định – PCCC vào giấy phép xây dựng, nhằm rút ngắn thời gian triển khai.

Lệch pha cung – cầu và cảnh báo đầu cơ

Theo đánh giá tại cuộc họp, thị trường hiện đang "lệch pha nghiêm trọng". Một mặt là sự dư thừa các sản phẩm cao cấp như shophouse, biệt thự không có người ở; mặt khác lại thiếu trầm trọng nhà ở bình dân và vừa túi tiền – đặc biệt tại Hà Nội và TP HCM.

Thực tế này không mới. Từ năm 2022, Trung ương đã đề cập trong Nghị quyết 18 việc tính thuế cao hơn với người sử dụng nhiều đất đai, sở hữu nhiều nhà, đầu cơ hoặc bỏ hoang bất động sản. Đoàn giám sát của Quốc hội năm 2023 cũng kiến nghị cần sớm hoàn thiện chính sách thuế theo hướng công bằng, triệt tiêu động cơ găm đất, chờ tăng giá.

Bộ Tài chính hiện đang nghiên cứu phương án áp thuế 20% trên giá trị chuyển nhượng bất động sản, cũng như đánh thuế theo thời gian sở hữu tài sản. Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (tiền thân là Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã từng đề xuất đánh thuế người bỏ hoang đất, sử dụng quá hạn mức hợp lý.

Với các giải pháp toàn diện từ cải cách thuế, hoàn thiện dữ liệu, phát triển nhà ở xã hội đến xử lý đầu cơ, Chính phủ kỳ vọng sẽ dần đưa thị trường bất động sản trở lại trạng thái lành mạnh, cân bằng và bền vững.

Nguyên Bình