Báo chí thúc đẩy nâng tầm văn hóa doanh nghiệp
Đây là một trong những nội dung được đề cập tại Hội thảo "Báo chí đồng hành xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới" được tổ chức sáng 6/5 nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025).

Phát biểu khai mạc, ông Hồ An Phong, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao Du lịch, nhận định yếu tố cấu thành của văn hóa doanh nghiệp đó chính là giá trị cột lõi, là những nguyên tắc nền tảng mà doanh nghiệp theo đuổi trong mọi hoạt động. Là tầm nhìn, sứ mệnh, là định hưởng dài hạn và lý do tồn tại của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn từ cách lãnh đạo điều hành và giao tiếp, truyền cảm hứng, là quy tắc ứng xử, giao tiếp trong nội bộ…
Trong hành trình kiến tạo và lan tỏa thương hiệu, báo chí có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các giá trị văn hóa doanh nghiệp trong cộng đồng xã hội - yếu tố then chốt trong sức mạnh nền kinh tế quốc gia.
Trình bày báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Tổng Biên tập Báo Văn hóa Nguyễn Anh Vũ nhấn mạnh, trong sự phát triển của văn hóa doanh nghiệp, báo chí được coi như đối tác đồng hành và thúc đẩy văn hóa doanh nghiệp.

Báo chí với tư cách là một thiết chế xã hội đặc biệt, có khả năng dẫn dắt dư luận, thúc đẩy các giá trị tích cực, đã và đang đồng hành chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp trong nhiều hoạt động. Điều này được thể hiện qua việc báo chí phản ánh, lan toả mô hình văn hoá doanh nghiệp tiêu biểu, truyền cảm hứng, cổ vũ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có trách nhiệm với xã hội; phê phán, cảnh báo những hành vi sai trái, thiếu đạo đức trong kinh doanh, từ đó góp phần thanh lọc môi trường kinh doanh.
Báo chí cũng góp phần thúc đẩy đối thoại chính sách giữa Nhà nước – doanh nghiệp – xã hội về các vấn đề liên quan đến đạo đức kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chiến lược truyền thông, định hình hình ảnh, thương hiệu và giá trị cốt lõi.
Không chỉ là người đưa tin, báo chí còn là “người đồng hành”, “người kiến tạo”, góp phần xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh nhân văn và hiện đại. Trong thời đại số, khi thông tin là nguồn lực thiết yếu, báo chí có thể trở thành lực lượng tiên phong trong việc xây dựng và phổ biến các giá trị văn hoá doanh nghiệp tới xã hội và cộng đồng.
Ông Vũ cho rằng, báo chí và doanh nghiệp cần phối hợp, xây dựng chiến lược truyền thông quốc gia về văn hoá doanh nghiệp, trong đó báo chí giữ vai trò trung tâm về nội dung và lan toả thông điệp.
Cùng với đó, tăng cường đào tạo phóng viên chuyên sâu về mảng doanh nghiệp, kinh tế, văn hoá tổ chức, giúp nâng cao chất lượng phản ánh, bình luận, phân tích chính sách. Khuyến khích hình thành các diễn đàn thường niên, tọa đàm chuyên đề, nơi báo chí và doanh nghiệp cùng nhau đối thoại, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm và cùng kiến tạo giá trị.
Thúc đẩy mô hình truyền thông hợp tác có trách nhiệm, trong đó doanh nghiệp chủ động cung cấp thông tin minh bạch, báo chí phản ánh trung thực, đồng thời hai bên cùng hướng đến phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong, báo chí đã phát hiện, phản biện, lan toả những giá trị cốt lõi trong văn hoá doanh nghiệp. Không chỉ là cầu nối, báo chí mà còn là kênh truyền thông, tham gia kiến tạo, phát triển văn hoá doanh nghiệp.
Báo chí giúp xử lý khủng hoảng truyền thông cho doanh nghiệp; kết nối doanh nghiệp, sản phẩm của doanh nghiệp đến người dân và xã hội.
Sự phát triển của doanh nghiệp, văn hoá doanh nghiệp phải có sự đồng hành của báo chí và ngược lại. Mối quan hệ ấy có tính chất 2 chiều. Nhờ có báo chí, doanh nghiệp được củng cố về thương hiệu, độ uy tín với các đối tác. Đồng thời, báo chí góp phần định hướng, truyền thông cho phát triển văn hoá doanh nghiệp.
Đề cập đến báo chí và doanh nghiệp với việc thực hiện trách nhiệm xã hội của mình trong kỷ nguyên mới, bà Nguyễn Thị Bích Loan - Ủy viên BCH Hiệp hội Phát triển Việt Nam, Nguyên Phó Hiệu trưởng ĐH Thương mại Hà Nội cho biết: Khi làn sóng công nghệ tác động nhanh, mạnh mẽ tới toàn bộ nền kinh tế với tốc độ lan truyền dữ liệu vượt qua cả chu kỳ sản xuất, báo chí chính thống luôn giữ vai trò cốt lõi trong việc truyền tải thông tin, định hướng dư luận, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội.
Báo chí với vai trò là “người đồng hành” với doanh nghiệp, là cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan, cần phản ánh nhanh chóng, đầy đủ nhu cầu và kiến nghị của doanh nghiệp để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch cho doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, góp phần phát triển bền vững doanh nghiệp trong kỷ nguyên mới của đất nước…