Tăng trưởng tín dụng 16%, mở rộng tài khóa: Nỗ lực kép phục hồi kinh tế
Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành công điện về tăng cường hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa, cùng với chỉ đạo tổ chức sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2025, hướng tới hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm đạt 8% trở lên.

Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi sát tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ một cách chủ động, linh hoạt và hiệu quả, phù hợp với diễn biến vĩ mô và mục tiêu đã đề ra. Một trong những điểm nhấn là việc tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ sản xuất – kinh doanh thông qua chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đẩy mạnh chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục.
Tăng trưởng tín dụng cả năm phấn đấu đạt khoảng 16%, hướng vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực truyền thống của nền kinh tế. Đáng chú ý, Chính phủ định hướng từ năm 2026 sẽ bỏ hạn ngạch và điều hành tín dụng theo công cụ thị trường, tạo nền tảng lành mạnh và minh bạch hơn cho dòng vốn tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cũng được giao điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, cân bằng hợp lý giữa lãi suất và tỷ giá, đồng thời nâng cao chất lượng dự báo, phản ứng chính sách nhanh nhạy trước các diễn biến mới từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương khác.
Song song đó, Chính phủ thúc đẩy các chương trình tín dụng đặc thù: hỗ trợ người trẻ dưới 35 tuổi mua, thuê nhà ở xã hội; và gói tín dụng 500.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Đây là những cú hích quan trọng nhằm duy trì đà phục hồi và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Về quản lý thị trường vàng – lĩnh vực đang thu hút nhiều sự quan tâm – Thủ tướng yêu cầu khẩn trương trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP trước ngày 15/7, nhằm kịp thời hoàn thiện hành lang pháp lý và kiểm soát thị trường hiệu quả hơn.
Ở lĩnh vực tài khóa, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa mở rộng một cách có trọng tâm, trọng điểm, hài hòa với chính sách tiền tệ. Mục tiêu là tăng thu ngân sách ít nhất 20% so với dự toán năm 2025, đồng thời triển khai hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền thuê đất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Nguồn lực ngân sách cũng cần được phân bổ đầy đủ, kịp thời cho các nhiệm vụ quan trọng như thực hiện chính sách theo Nghị định 178, Nghị định 67, hay phục vụ sắp xếp đơn vị hành chính và triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Bộ Tài chính được yêu cầu sớm ban hành văn bản hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc cho địa phương, nhất là ở cấp xã.
Đặc biệt, Thủ tướng giao Bộ Tài chính trình dự thảo Nghị quyết thí điểm thị trường tài sản mã hóa trước ngày 15/7, mở đường cho việc nghiên cứu và phát triển lĩnh vực tài chính số, công nghệ blockchain. Cùng với đó là yêu cầu đánh giá tác động chính sách thuế đối ứng của Mỹ đối với Việt Nam, xây dựng các chính sách hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp, người lao động trong các ngành bị ảnh hưởng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước khẩn trương tổ chức sơ kết 6 tháng đầu năm và xây dựng kế hoạch hành động 6 tháng cuối năm 2025. Tinh thần là quyết liệt, sáng tạo, bám sát thực tiễn, nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra trong năm, qua đó góp phần thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng GDP từ 8% trở lên.