Diễn đàn pháp lý

Doanh nghiệp nhà nước trước bước ngoặt từ Luật số 68

PV 10/07/2025 14:56

Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Luật số 68) được đẩy nhanh hiệu lực thi hành từ ngày 1/8 tới đây, hứa hẹn tạo ra một cú hích lớn, trao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo
Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo.

Ngày 9/7, tại Phú Thọ, Bộ Tài chính đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đối với 3 dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật số 68/2025/QH15 về quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Hội thảo có sự tham dự của gần 150 đại biểu từ các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn/tổng công ty nhà nước, tổ chức tín dụng và các chuyên gia.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn nhấn mạnh, Luật số 68 được xây dựng trên một tinh thần và cách tiếp cận hoàn toàn mới. Thay vì can thiệp trực tiếp, nhà nước sẽ đóng vai trò là chủ sở hữu vốn, thực hiện phân công rõ ràng, phân cấp mạnh mẽ cho doanh nghiệp trong việc quản lý và đầu tư.

"Tinh thần cốt lõi là tăng tính chủ động cho doanh nghiệp, tách bạch chức năng quản lý nhà nước với chức năng của chủ sở hữu vốn," ông Tuấn khẳng định. Điều này có nghĩa là, cơ quan đại diện chủ sở hữu sẽ giảm dần sự can thiệp vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, trong khi đó, doanh nghiệp được trao quyền tự chủ lớn hơn, đi kèm với trách nhiệm giải trình cao hơn.

Với mục tiêu tháo gỡ khó khăn, khơi thông tối đa nguồn lực để phục vụ mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025, Luật số 68 được đẩy sớm hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2025.

Để cụ thể hóa tinh thần của luật, Bộ Tài chính đã chủ trì xây dựng 3 dự thảo nghị định, mỗi văn bản tập trung vào một khía cạnh trọng yếu.

Hội thảo đã ghi nhận nhiều góp ý từ đại biểu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và giới chuyên gia.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều góp ý từ đại biểu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và giới chuyên gia.

Một là, trao quyền quyết định đầu tư cho doanh nghiệp. Dự thảo nghị định về quản lý và đầu tư vốn nhà nước (6 chương, 36 điều) trao quyền mạnh mẽ cho Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty trong việc sử dụng các nguồn lực nội tại. Các thủ tục về quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư vốn cũng được đơn giản hóa tối đa, giúp doanh nghiệp linh hoạt và nhanh nhạy hơn trước các cơ hội thị trường.

Hai là, thiết lập cơ chế giám sát 3 cấp. Trao quyền phải đi đôi với kiểm soát. Dự thảo nghị định về giám sát, kiểm tra (6 chương, 50 điều) thiết lập một hệ thống giám sát chặt chẽ theo 3 cấp: Chính phủ, cơ quan đại diện chủ sở hữu và giám sát nội bộ của doanh nghiệp. Trong đó, Bộ Tài chính sẽ chủ trì giám sát 3 lĩnh vực then chốt: đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và cơ cấu lại vốn. Cơ chế này đảm bảo vốn nhà nước được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và minh bạch.

Ba là, gỡ "nút thắt" trong cổ phần hóa. Điểm đột phá nhất nằm ở dự thảo nghị định về cơ cấu lại vốn nhà nước (8 chương, 100 điều). Theo quy định mới, công tác cổ phần hóa sẽ không còn bị ràng buộc với việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Đây được xem là một sự thay đổi mang tính cách mạng, giải quyết được vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa nhiều năm qua. Sau khi doanh nghiệp chuyển đổi thành công ty cổ phần, việc quản lý và sử dụng đất đai sẽ tuân thủ hoàn toàn theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành. Điều này vừa đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại doanh nghiệp, vừa đảm bảo tài sản đất đai của nhà nước được quản lý chặt chẽ, đúng luật.

PV