Chính sách

Cụ thể hóa quy trình tạm ứng, thanh toán chi phí tố tụng

Mai Thoa 16/07/2025 07:14

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 204/2025/NĐ-CP, quy định chi tiết trình tự, thủ tục lập dự toán, tạm ứng và thanh toán kinh phí chi trả chi phí tố tụng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tố tụng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 11/7/2025.

2023_05_15_10_34_4036.png
Ảnh minh hoạ

Rõ ràng trong từng loại chi phí

Nghị định quy định cụ thể các loại chi phí tố tụng bao gồm: chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ; chi phí định giá tài sản; chi phí giám định; chi phí cho hội thẩm; chi phí cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý, bào chữa viên nhân dân khi chỉ định bào chữa trong tố tụng hình sự; chi phí cho người làm chứng, người chứng kiến, phiên dịch, dịch thuật; chi phí ủy thác tư pháp ra nước ngoài và các chi phí tham gia phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc.

Thủ tục thanh toán chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ

Sau khi hoàn tất việc xem xét, thẩm định tại chỗ, người tham gia thực hiện nhiệm vụ gửi 1 bộ hồ sơ đề nghị thanh toán tới cơ quan có thẩm quyền theo một trong các hình thức: qua bưu chính, nộp trực tiếp hoặc gửi trực tuyến nếu đủ điều kiện kỹ thuật.

Hồ sơ thanh toán gồm: giấy đề nghị thanh toán (theo Mẫu số 01 ban hành kèm Nghị định), kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh khoản chi phí hợp lý, cần thiết.

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, trong vòng 3 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền phải thông báo để người đề nghị bổ sung. Trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện thanh toán.

Thủ tục tạm ứng và thanh toán chi phí định giá tài sản

Khi có yêu cầu định giá tài sản, Hội đồng định giá tài sản có thể đề nghị tạm ứng chi phí trong vòng 5 ngày làm việc. Hồ sơ tạm ứng gồm: giấy đề nghị (Mẫu số 02), bảng tính chi phí định giá và cơ sở tính toán. Mức tạm ứng tối đa không vượt quá chi phí đã tính.

Trong vòng 10 ngày kể từ khi có kết quả định giá, Hội đồng định giá tài sản gửi hồ sơ đề nghị thanh toán, gồm giấy đề nghị, văn bản yêu cầu định giá và hóa đơn, chứng từ hợp pháp.

Nếu chi phí thực tế vượt mức đã tạm ứng, cơ quan tiến hành tố tụng sẽ thanh toán phần chênh lệch. Ngược lại, nếu chi phí thực tế thấp hơn mức tạm ứng, Hội đồng định giá tài sản phải hoàn trả phần chênh lệch trong vòng 2 ngày làm việc.

Chi phí giám định trong các loại tố tụng

Đối với tố tụng dân sự và hành chính, việc tạm ứng chi phí giám định thực hiện theo Điều 38 Pháp lệnh Chi phí tố tụng. Đối với tố tụng hình sự, thực hiện theo Điều 44.

Trong vòng 5 ngày kể từ khi có quyết định trưng cầu giám định, tổ chức, cá nhân thực hiện giám định gửi hồ sơ đề nghị tạm ứng, gồm giấy đề nghị (Mẫu số 02), bảng tính chi phí giám định.

Sau khi có kết quả giám định, trong vòng 10 ngày, tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ thanh toán gồm giấy đề nghị (Mẫu số 01), bản chính các hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, cơ quan tiến hành tố tụng thông báo trong 3 ngày để bổ sung.

Cơ quan có thẩm quyền sẽ thanh toán phần còn thiếu (nếu chi phí thực tế lớn hơn tạm ứng) hoặc yêu cầu hoàn trả phần chênh lệch (nếu chi thấp hơn tạm ứng).

Thanh toán cho người bào chữa, người tham gia tố tụng

Việc thanh toán cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý thực hiện theo quy định của Luật Luật sư và Luật Trợ giúp pháp lý.

Đối với bào chữa viên nhân dân được chỉ định, hồ sơ thanh toán gồm: giấy đề nghị (Mẫu số 01), bảng kê thời gian làm việc có xác nhận của cơ quan tiến hành tố tụng, cùng hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh chi phí theo quy định tại Điều 49 Pháp lệnh Chi phí tố tụng.

Hồ sơ được nộp sau mỗi giai đoạn tố tụng. Trong thời hạn 10 ngày sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tố tụng thực hiện thanh toán.

Người làm chứng, chứng kiến, phiên dịch, dịch thuật gửi hồ sơ đề nghị thanh toán sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Hồ sơ gồm giấy đề nghị (Mẫu số 01) và các hóa đơn, chứng từ chứng minh chi phí phát sinh.

Cơ quan tiến hành tố tụng phải thông báo yêu cầu bổ sung hồ sơ (nếu cần) trong vòng 3 ngày làm việc và thanh toán trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Mai Thoa