Luật Hải quan sửa đổi: Bước đột phá hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ cao, bán dẫn
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, Cục Hải quan đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải cách, tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, đặc biệt cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao.

Tập trung rà soát, sửa đổi Luật Hải quan
Thông tin từ Cục Hải quan cho biết, đơn vị này đang tích cực triển khai các nhiệm vụ theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, các Nghị quyết số 192/2025/QH15, 190/2025/QH15 của Quốc hội và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã giao Cục Hải quan chủ trì rà soát các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong lĩnh vực hải quan, đề xuất sửa đổi, bổ sung vào Luật Hải quan các chính sách mang tính đột phá, kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn pháp lý trong hoạt động xuất nhập khẩu.
Các nội dung sửa đổi này hướng đến hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số — những động lực then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiện thực hóa mục tiêu đạt mức tăng trưởng 8% mà Quốc hội đã đề ra.
Ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và công nghiệp bán dẫn
Theo Cục Hải quan, công nghiệp bán dẫn được coi là “trái tim” của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 5, là nền tảng cho hầu hết tiến bộ về công nghệ hiện nay. Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh thu hút đầu tư cho lĩnh vực này thông qua các chính sách thuận lợi về thương mại và thủ tục hải quan, Việt Nam cũng đang thực hiện các bước đi tương tự.
Luật Hải quan sửa đổi đã bổ sung quy định về điều kiện áp dụng chế độ ưu tiên đối với các doanh nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là:
Doanh nghiệp thành lập mới từ dự án sản xuất sản phẩm công nghệ cao,
Doanh nghiệp thực hiện dự án công nghệ chiến lược,
Dự án sản xuất chip bán dẫn, trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo,
Doanh nghiệp sản xuất phụ trợ trong công nghiệp bán dẫn.
Đáng chú ý, các doanh nghiệp này sẽ không phải đáp ứng điều kiện về kim ngạch xuất nhập khẩu hay thời gian tuân thủ pháp luật hải quan, pháp luật thuế trong 2 năm liên tục như các doanh nghiệp thông thường.
Để đảm bảo minh bạch, Luật sửa đổi quy định rõ: chế độ ưu tiên chỉ áp dụng đối với hàng hóa liên quan đến công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao, công nghệ chiến lược, công nghệ số trọng điểm theo Danh mục do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, có mã số hàng hóa thống nhất với Danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu Việt Nam.
Một điểm mới đáng chú ý khác là việc bổ sung quy định về kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ. Đây được coi là giải pháp thực tiễn, tháo gỡ vướng mắc lâu nay trong hoạt động xuất nhập khẩu giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt trong các giao dịch giao hàng tại Việt Nam theo chỉ định.
Việc bổ sung quy định này sẽ giúp rút ngắn thời gian thông quan, giảm chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo ổn định chính sách pháp luật, minh bạch trong quá trình thực thi.
Cùng với đó, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về thiết lập “làn xanh” cho doanh nghiệp phụ trợ, Cục Hải quan cũng đề xuất sửa đổi thủ tục xuất nhập khẩu nhằm rút ngắn thời gian xử lý, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập.
Hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất bán dẫn của khu vực
Cục Hải quan kỳ vọng, các nội dung sửa đổi, bổ sung lần này trong Luật Hải quan không chỉ đơn thuần là cải cách thủ tục, mà còn là bước chuyển quan trọng về thể chế, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư và phát triển tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn.
“Đây là tiền đề để Việt Nam từng bước trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp bán dẫn của khu vực và thế giới”, đại diện Cục Hải quan khẳng định.
Được biết, những nội dung nêu trên đã được Quốc hội thông qua tại Luật số 90/2025/QH15, sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật như Luật Hải quan, Luật Đầu tư, Luật PPP, Luật Thuế GTGT, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu… Tại Luật này, Điều 3 sửa đổi Điều 42 về chế độ ưu tiên và bổ sung Điều 47a quy định cụ thể về giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu tại chỗ.