Quản trị

Việt Nam kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại

Hà Thanh 22/07/2025 10:33

Trước nguy cơ ngày càng gia tăng từ các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại nhằm vào hàng hóa xuất khẩu, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã chính thức đưa vào vận hành hệ thống cảnh báo sớm.

Đây được xem là công cụ quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và ngành hàng chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ từ nước ngoài.

pvtm-16538959404781401271679.jpg
Ảnh minh họa

Số vụ điều tra tăng mạnh, mặt hàng bị mở rộng

Theo thống kê từ Cục Phòng vệ thương mại, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã bị khởi xướng 9 vụ điều tra phòng vệ thương mại mới, trong đó có 7 vụ điều tra chống bán phá giá và 2 vụ tự vệ. Các vụ việc này đến từ 8 thị trường khác nhau, cho thấy mức độ đa dạng và lan rộng của các biện pháp phòng vệ.

Đáng chú ý, ngoài các vụ việc mới, cơ quan này cũng đang xử lý 33 vụ điều tra kéo dài từ năm 2024 cùng nhiều vụ rà soát thuế liên quan. Một số mặt hàng xuất khẩu dù chưa chính thức bị khởi xướng điều tra nhưng đã có hồ sơ nộp từ nước ngoài đề nghị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Điểm đáng lo ngại là phạm vi mặt hàng bị điều tra đang ngày càng mở rộng. Không chỉ dừng lại ở những sản phẩm truyền thống như thép, xi măng, sợi..., nhiều mặt hàng mới như giấy gợn sóng, vỏ viên nhộng cứng, sơ mi rơ moóc cũng đã bị đưa vào danh sách điều tra.

Đặc biệt, xu hướng này đang lan tới các thị trường trước đây ít sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với Việt Nam như Nam Phi, Ai Cập, Brazil… Điều này đặt ra thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trong việc duy trì thị phần và năng lực cạnh tranh.

Phức tạp về kỹ thuật, nguy cơ thuế cao

Không chỉ gia tăng về số lượng và phạm vi, các vụ điều tra phòng vệ thương mại hiện nay còn ngày càng phức tạp về mặt kỹ thuật. Một số quốc gia, như Canada, đã đưa yếu tố "kinh tế phi thị trường" vào quy trình điều tra, trong khi các nước như Mexico và Brazil lại sử dụng giá trị thay thế từ nước thứ ba để tính toán biên độ phá giá.

Theo đánh giá của Cục Phòng vệ thương mại, những phương pháp điều tra này thường dẫn đến việc áp thuế chống bán phá giá ở mức cao, không phản ánh đúng chi phí sản xuất và năng lực cạnh tranh thực tế của doanh nghiệp Việt Nam. Hệ quả là doanh nghiệp bị thiệt hại lớn về kinh tế, đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và khả năng tiếp cận thị trường của cả ngành hàng.

phong_ve_thuong_mai.jpg
Ảnh minh họa.

Kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm

Trước diễn biến phức tạp nêu trên, hệ thống cảnh báo sớm phòng vệ thương mại đã được triển khai nhằm tăng cường khả năng giám sát thị trường và cảnh báo sớm nguy cơ điều tra. Hệ thống này thu thập, phân tích dữ liệu xuất khẩu từ nhiều nguồn – bao gồm dữ liệu hải quan, thông tin thị trường, và đặc biệt là dữ liệu từ hơn 60 Thương vụ Việt Nam tại các nước – để phát hiện kịp thời các tín hiệu bất thường.

Hiện tại, hệ thống đang theo dõi sát sao hàng trăm mặt hàng xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Ấn Độ, Australia và một số quốc gia Đông Nam Á. Khoảng 300 mặt hàng được đánh giá có nguy cơ cao đã được đưa vào danh sách cảnh báo để cơ quan quản lý và doanh nghiệp chủ động theo dõi, điều chỉnh chiến lược sản xuất và xuất khẩu.

Tăng cường đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp

Bên cạnh việc cảnh báo sớm, Cục Phòng vệ thương mại cũng đang triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu theo ngành hàng và theo địa phương để giúp doanh nghiệp nâng cao hiểu biết pháp lý, quy trình điều tra và kỹ năng ứng phó.

Danh sách mặt hàng có nguy cơ bị điều tra cũng sẽ được cập nhật thường xuyên để doanh nghiệp chủ động kiểm soát rủi ro, điều chỉnh chính sách giá, lựa chọn thị trường phù hợp và xây dựng hồ sơ kỹ thuật phục vụ cho quá trình bảo vệ quyền lợi nếu xảy ra tranh chấp.

Việc đưa hệ thống cảnh báo sớm vào vận hành là bước đi chủ động và cần thiết trong bối cảnh các rào cản thương mại phi thuế quan ngày càng gia tăng. Đây không chỉ là công cụ bảo vệ doanh nghiệp, mà còn là nền tảng để nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập hiệu quả hơn của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Hà Thanh