Ngày 13/11, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành các văn bản quy định về lãi suất tiền gửi, nhằm bảo đảm tính thống nhất về căn cứ pháp lý với các thông tư quy định về lãi suất tiền gửi.
Cụ thể, theo Quyết định số 2410/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 46/2024/TT-NHNN ngày 30/9/2024. Theo đó, lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của tổ chức là 0%/năm; lãi suất áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0%/năm.
Theo Quyết định số 2411/QĐ-NHNN về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 48/2024/TT-NHNN ngày 30/9/2024. Theo đó, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng ở mức 0,5%/năm, đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở mức 4,75%/năm
Riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô ở mức 5,25%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
Các quyết định này có hiệu lực từ ngày 20/11. Theo NHNN, các quy định mới sẽ chỉnh sửa căn cứ pháp lý ban hành và không thay đổi các mức lãi suất tiền gửi.
Liên quan đến tiền gửi tiết kiệm, số liệu mới nhất được NHNN công bố, tính đến cuối tháng 8/2024, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân chảy vào hệ thống ngân hàng xấp xỉ 7 triệu tỷ đồng, đạt hơn 6,92 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm ngoái.
Trong khi đó, so với cuối tháng 7/2024, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dâ tăng thêm hơn 86.000 tỷ đồng, bình quân mỗi ngày có gần 3.000 tỷ đồng gửi vào hệ thống ngân hàng. Còn lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng tính tới cuối tháng 8 cũng hơn 6,83 triệu tỷ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm ngoái.
Như vậy, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức tín dụng của hệ thống ngân hàng đạt hơn 13,75 triệu tỷ đồng.