Khởi nghiệp quốc gia

Thúc đẩy khởi nghiệp: Thành quả quan trọng của chính sách đổi mới

Tuấn Dũng 01/12/2024 17:22

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã có cuộc trao đổi với Doanh nhân & Công lý sự phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam thời gian qua, đồng thời đưa ra dự kiến và định hướng tăng trưởng lĩnh vực này trong tương lai.

Ông đánh giá như thế nào về mức độ thành công của các chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Chính phủ thời gian qua?

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, coi khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững. Đồng thời yêu cầu: “Có thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ; nâng cao năng lực nghiên cứu, làm chủ một số công nghệ mới, hình thành năng lực sản xuất mới có tính tự chủ và khả năng thích ứng, chống chịu của nền kinh tế; lấy doanh nghiệp làm trung tâm nghiên cứu phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo”.

pham-hong-quat.jpg
Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Ảnh: VGP

Đặc biệt, hệ thống pháp luật về khởi nghiệp sáng tạo từng bước được hoàn thiện, có nhiều chính sách đã được ban hành và đi vào cuộc sống. Cụ thể, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành các quy định về doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, các nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo như: Hỗ trợ thông tin, hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ… tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP; ban hành các quy định về ưu đãi đầu tư cho dự án khởi nghiệp sáng tạo, ưu đãi đầu tư đối với trung tâm đổi mới sáng tạo, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung cho khởi nghiệp sáng tạo tại Luật Đầu tư, Nghị định số 31/2021/NĐ-CP; quy định về ưu đãi cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đối với doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong đấu thầu, mua sắm công tại Nghị định số 24/2024/NĐ-CP; quy định về các cơ chế, chính sách đặc thù về thử nghiệm có kiểm soát, về ưu đãi, miễn thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ ươm tạo khởi nghiệp sáng tạo, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng, phát triển các thành phố như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng tại các Nghị quyết số 98/2023/QH15, Nghị quyết số 136/2024/QH15, Luật Thủ đô 39/2024/QH15, v.v…

Về hỗ trợ tài chính, nâng cao năng lực, nâng cao nhận thức, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chương trình quốc gia phát triển về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, cụ thể như: Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844); Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp (Đề án 1665); Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (Đề án 939); Chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Chương trình 897)... hướng tới phát triển, hỗ trợ các vườn ươm, không gian làm việc chung, các chương trình đào tạo, kết nối, các hoạt động truyền thông, quảng bá về khởi nghiệp.

Có thể nói, những chính sách này đã tạo ra một động lực mới, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ khởi nghiệp của khu vực.

Theo ông, những chính sách này đã giúp nâng cao vị thế của Việt Nam như thế nào trong bản đồ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của khu vực?

Với những nỗ lực không ngừng, Việt Nam đang trên đà trở thành một trong những trung tâm khởi nghiệp sôi động của khu vực.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp. Cụ thể, năm 2023, Việt Nam ước tính có khoảng 3.800 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trong đó có 02 kỳ lân, 11 doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh, hình thành hơn 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo tại địa phương và quốc gia.

Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam đứng thứ 56/100 quốc gia, với Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng nằm trong top 1.000 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu, đứng thứ ba về số lượng thương vụ đầu tư trong khu vực ASEAN. Đây là những minh chứng cho những nỗ lực của cả hệ thống trong xây dựng hành lang pháp lý, chính sách và tổ chức thực hiện xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, chúng ta cần sự chung tay của cả Chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng.

techfest-2023-1713537640-2428-1713537801.jpg
Ảnh minh họa

+ Theo ông, cần bổ sung hoặc điều chỉnh các chính sách nào để tiếp tục hỗ trợ phát triển lĩnh vực này?

- Để tiếp tục thúc đẩy, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo một cách mạnh mẽ, bền vững, cần thiết tiếp tục có những cơ chế, chính sách đột phá nhằm nhanh chóng, kịp thời đáp ứng những thay đổi của thực tiễn, của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Một là, hoàn thiện quy định quản lý nhà nước về định danh, công nhận các chủ thể trong hệ sinh thái để được hưởng các ưu đãi, hỗ trợ: Doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, nhà đầu tư thiên thần, cơ sở ươm tạo, cơ sở thúc đẩy kinh doanh, khu làm việc chung, cơ sở kỹ thuật; quy định các ưu đãi cho các đối tượng này thống nhất, đồng bộ tại Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư, và các bộ luật khác có liên quan.

Hai là, nghiên cứu để thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái như: Thí điểm sử dụng nguồn vốn khu vực công để đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là từ các nguồn ngân sách trung ương và địa phương dưới hình thức thành lập quỹ đầu tư nhà nước, hoặc đầu tư, cùng đầu tư vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo với quy định phù hợp thông lệ quốc tế về việc bảo toàn vốn theo danh mục đầu tư, với thời hạn phù hợp với đặc thù khởi nghiệp sáng tạo (từ 5-10 năm); thí điểm cơ chế đặt hàng, ra thách thức, mua sắm công ưu tiên đối với sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo; thí điểm các không gian đổi mới sáng tạo cho sản phẩm, dịch vụ mới tương tác trực tiếp với người dùng cuối…

Ba là, nghiên cứu quy hoạch phát triển các cụm đổi mới sáng tạo, hàng lang đổi mới sáng tạo liên kết các trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại các địa phương theo mô hình mở, khai thác nguồn lực có sẵn. Phát triển và khai thác hợp tác quốc tế trong bối cảnh mới: đưa doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới và đưa tri thức, trí tuệ, nguồn lực thế giới về với Việt Nam. Phát triển mạnh mẽ và hiệu quả các Mạng lưới kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở quốc gia, vùng, địa phương.

Bốn là, tiếp tục các nguồn lực hỗ trợ hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực, phát triển các tổ chức ươm tạo, thúc đẩy kinh doanh trên toàn quốc. Thúc đẩy việc hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo từ kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ từ khu vực trường đại học, viện nghiên cứu. Hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan tới phân chia quyền sở hữu kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ, quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu, quyền tham gia và điều hành doanh nghiệp của viên chức nghiên cứu,… nhằm khuyến khích và đẩy mạnh hoạt động thương mại hóa, hình thành các doanh nghiệp khai thác tài sản trí tuệ.

Năm là, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo mở, kết nối khu vực doanh nghiệp lớn, tập đoàn, các hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan quản lý, tổ chức xã hội đặt hàng, thách thức để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo giải quyết. Thu hút, khơi thông nguồn vốn từ các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, từ các quỹ đầu tư nước ngoài cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy khởi nghiệp: Thành quả quan trọng của chính sách đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO