Năm 2025 được xác định là năm bản lề quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021–2025 và là bước đệm để thực hiện khát vọng phát triển đất nước đến năm 2045.
TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế và Tài chính Quốc hội cho rằng: Để đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay, Việt Nam cần tập trung triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp lớn, từ hoàn thiện thể chế, điều hành vĩ mô, đến huy động hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế, trong đó có 5 giải pháp đáng chú ý:
Chủ động đánh giá tình hình thế giới, hoạch định chính sách đối ngoại hiệu quả
Thứ nhất, cần đánh giá và dự báo toàn diện, kịp thời, chính xác hơn về diễn biến của tình hình địa chính trị trên thế giới và khu vực, làm căn cứ để hoạch định các chính sách kinh tế đối ngoại lớn của Việt Nam. Trước bối cảnh địa chính trị quốc tế ngày càng phức tạp, việc chủ động nắm bắt và dự báo kịp thời xu hướng biến động toàn cầu là điều kiện tiên quyết để hoạch định chính sách kinh tế đối ngoại phù hợp. Với độ mở nền kinh tế cao – Việt Nam đã tham gia 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó 17 FTA đã có hiệu lực – mọi chuyển động từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU hay ASEAN đều ảnh hưởng trực tiếp đến thương mại, đầu tư và tăng trưởng trong nước.
Đặc biệt, những chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong nhiệm kỳ thứ hai cần được theo dõi sát sao. Với khẩu hiệu "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại", ông Trump đã công bố nhiều chủ trương có tác động sâu rộng đến toàn cầu, từ điều chỉnh thuế, thương mại, cắt giảm đóng góp cho các tổ chức quốc tế cho tới các vấn đề an ninh, nhập cư và chủ quyền lãnh thổ. Trong bối cảnh này, việc xây dựng chính sách đối ngoại của Việt Nam cần linh hoạt, thực dụng, ưu tiên lợi ích kinh tế - thương mại, và chủ động thích ứng với xu hướng chống toàn cầu hóa đang trỗi dậy.
Khơi thông sức mua nội địa – phục hồi động lực tăng trưởng truyền thống
Thứ hai, cần tập trung các giải pháp để khôi phục và thúc đẩy động lực tăng trưởng từ cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đầu tư và xuất khẩu, tiêu dùng nội địa tiếp tục đóng vai trò là một trong ba động lực chính của tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, sức cầu tiêu dùng hiện đang đối mặt với nhiều thách thức. Việc tăng chi đầu tư công dẫn đến lượng tiền trong lưu thông lớn, kéo theo chỉ số CPI có xu hướng gia tăng. Cùng với đó, chính sách tinh giản bộ máy hành chính và sửa đổi luật thuế (tăng thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế với thương mại điện tử...) có thể làm giảm sức mua của người dân.
Để khôi phục sức cầu, cần đồng thời thực hiện hai nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, phát triển mạnh mẽ các thị trường nền tảng như bất động sản, lao động, và khoa học công nghệ – nơi tạo ra việc làm và thu nhập ổn định. Thứ hai, điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, chú trọng giảm chi phí cho doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu bền vững. Những chính sách hỗ trợ đã có như hoãn, giãn thuế, giảm VAT, ưu đãi thuế cho ô tô – xe máy điện cần được mở rộng và điều chỉnh phù hợp để tạo động lực tiêu dùng bền vững.
Bảo đảm cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế
Thứ ba, vấn đề bảo đảm cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế. Việc thực hiện đồng loạt các dự án hạ tầng chiến lược – từ đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, sân bay Long Thành, đến vành đai 3 TP.HCM và vành đai 4 Hà Nội – đòi hỏi nguồn vốn khổng lồ. Tuy nhiên, hiện nay chi thường xuyên vẫn chiếm tới 70% ngân sách, chỉ 30% dành cho đầu tư phát triển. Để đảo ngược tỉ lệ này, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, từ đó tiết kiệm chi thường xuyên để tăng vốn đầu tư.
Song song với đó, chính sách tiền tệ cần được điều hành linh hoạt, ưu tiên tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Việc xem xét bỏ trần room tín dụng để các ngân hàng thương mại chủ động hơn trong cung ứng vốn cũng là đề xuất đang được tính đến, trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đã kiểm soát tốt nợ xấu và ổn định vĩ mô được giữ vững.
Tận dụng hiệu quả các cơ chế đặc thù cho địa phương và ngành trọng điểm
Thứ tư, tập trung khai thác hiệu quả các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội khóa XV đã ban hành cho các địa phương và một số lĩnh vực, dự án đầu tư. Việc Quốc hội khóa XV ban hành hàng loạt nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho nhiều địa phương (như Hải Phòng, Cần Thơ, Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa...) và lĩnh vực đầu tư trọng điểm (giao thông, khoa học công nghệ…) đã mở ra dư địa lớn cho tăng trưởng. Tuy nhiên, để các cơ chế này phát huy hiệu quả, các địa phương và bộ ngành cần nhanh chóng xây dựng bộ máy thực thi đủ năng lực, tập trung nguồn lực và giám sát việc triển khai nghiêm túc, hiệu quả.
Đặc biệt, việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, luật pháp, trên cơ sở tổng kết thực tiễn từ các cơ chế đặc thù, sẽ là nền tảng để thúc đẩy phát triển đột phá trong dài hạn.
Hỗ trợ thực chất cho doanh nghiệp tư nhân – trụ cột của nền kinh tế
Thứ năm, các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân cần được triển khai một cách trực diện, thực chất hơn. Theo số liệu báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế tư nhân đang đóng góp gần 45% GDP cả nước, 1/3 thu ngân sách nhà nước, hơn 40% vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, tạo ra công ăn việc làm cho 85% số lao động cả nước; chiếm tới 35% tổng kim ngạch nhập khẩu và 25% tổng kim ngạch xuất khẩu. Để đạt mục tiêu tăng tỷ trọng đóng góp khu vực này lên 55% GDP vào năm 2025 và 60–65% vào năm 2030, cần có những chính sách hỗ trợ thực chất hơn nữa.
Nhà nước phải sớm tháo gỡ các rào cản thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện để doanh nghiệp tư nhân tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển đổi số, và đổi mới sáng tạo. Các chính sách ưu đãi vượt trội cần được ưu tiên cho những ngành nghề có giá trị gia tăng cao như AI, chip bán dẫn, công nghệ lõi và vật liệu mới. Đồng thời, phát triển các doanh nghiệp đầu đàn mang tính dẫn dắt sẽ giúp lan tỏa lợi ích và nâng cao năng lực cho toàn bộ khu vực tư nhân.
Tăng trưởng GDP đạt và vượt 8% trong năm 2025 không chỉ là chỉ tiêu kinh tế, mà là thước đo bản lĩnh điều hành, sức mạnh nội lực và khát vọng phát triển của cả dân tộc.
Chỉ khi thực hiện hiệu quả các giải pháp nêu trên – từ chính sách vĩ mô, cải cách thể chế, phát huy kinh tế tư nhân đến khai thác cơ chế đặc thù – chúng ta mới có thể đặt nền móng vững chắc cho tăng trưởng hai con số trong các năm tiếp theo, hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thịnh vượng vào năm 2045.