Mỗi mùa hè đến, áp lực mang tên “thi cử - điểm số” lại trở thành nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với các sĩ tử, không chỉ riêng đối với các cuộc thi đại học mà ngay cả cuộc thi chuyển cấp vào lớp 10.
Áp lực thi vào 10 đè lên vai học sinh, phụ huynh "căng thẳng". Ảnh minh họa
Vừa qua, trên cả nước đã diễn ra đợt thi chuyển cấp vào lớp 10 trong cái thời tiết thất thường, nắng mưa bất chợt. Mấy năm trước, có lẽ cuộc thi chuyển cấp vào 10 không quá áp lực đối với học sinh so với cuộc thi lớn - Đại học. Nhưng vài năm trở lại đây, cuộc thi này trở lên có sức hút và áp lực với các em hơn cả thi Đại học, từ việc chọn các trường phù hợp với số điểm rất khó và tỉ lệ chọi chỉ tiêu các trường công lập lại càng khắt khe, đặc biệt là ở các tỉnh thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Theo thống kê năm 2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo, chỉ riêng TP. Hà Nội có chỉ tiêu vào lớp 10 công lập là 81.000 học sinh, với các nguyện vọng xét từ 1 đến 3. Những học sinh không vào được trường công lập sẽ chuyển qua học ở các trường tư thục, trường nghề hoặc các trường học chương trình giáo dục thường xuyên. Nhìn vào số lượng học sinh đăng ký, có thể thấy tỉ lệ chọi vào các trường công lập tốp đầu rất cao, mức cạnh tranh vào các trường này rất lớn.
Đơn cử tại trường công lập tốp đầu có nhiều thí sinh đăng ký tham gia nguyện vọng 1 như trường THPT Yên Hòa, với số lượng đăng ký tham gia là 2.207 thí sinh, nguyện vọng 1 là 2.079 thí sinh, trong khi chỉ tiêu được đề ra là 675 em. Như vậy, trung bình chia ra sẽ là 1:3, cứ 3 học sinh thì sẽ có 1 em đỗ. Với mức chọi như vậy, không dễ dàng có thể đỗ vào trường mình mong muốn, áp lực lại càng cao đối với học sinh.
Hình ảnh học sinh thi vào lớp10 của trường THPT Chuyên đại học Sư Phạm. Ảnh minh họa
Từ trước đến nay, cả phụ huynh và học sinh đều mong muốn đỗ vào những trường công lập uy tín với chất lượng giảng dạy tốt và môi trường năng động, làm bước đệm để con em bước vào ngưỡng cửa đại học. Theo đó, nhiều trường công được phụ huynh và học sinh ưu tiên hàng đầu. Thậm chí, nhiều em để không bỏ lỡ cơ hội đã đăng ký thi vào nhiều trường với các nguyện vọng khác nhau. Để đáp ứng được những yêu cầu đó, các em đã phải nỗ lực hết mình ngay từ khi bước vào lớp 6 với nhiều lớp học thêm. Khi đến cuối cấp lớp 9, áp lực lại càng tăng thêm.
Trước khi kỳ thi diễn ra, nhiều bậc phụ huynh chia sẻ về những áp lực của các con. Nhiều em đã không đủ sức ngay trong lớp ôn tập vì quá cố gắng, ngày chỉ ngủ 4 đến 5 tiếng, còn lại thời gian đều dành cho các lớp ôn và học thêm hay những giờ học online. Thậm chí, có những em vì quá lo lắng, căng thẳng mà dẫn đến tình trạng tâm lý mất ổn định và nhiều tình trạng khác xảy ra. Lo lắng cho sức khỏe là vậy nhưng các em vẫn cố gắng để được vào những trường tốt nhất. Gánh nặng đè lên đôi vai gầy yếu với những áp lực không tên từ những giờ học căng thẳng, những đề thi chồng chất trước ngày thi, hay cả những lo lắng về việc thiếu chỗ trong các trường công, và phần nào cả áp lực từ sự kỳ vọng quá lớn từ người thân.
Trong những ngày thi vừa qua, vào những giây phút bước ra khỏi phòng thi, có những nụ cười nhưng cũng có những giọt nước mắt vỡ òa vì tiếc nuối. Chúng ta có thể bắt gặp rất nhiều hình ảnh đó ở các điểm thi tại TP. Hà Nội. Có những vòng ôm ấm áp, những câu an ủi nhẹ nhàng, nhưng cũng có cả ánh mắt buồn thất vọng của phụ huynh khi con làm bài chưa tốt. Đây là thực trạng của các cuộc thi chuyển cấp vào 10 trong những năm gần đây, phần nào cho thấy sức nóng của các cuộc thi cam go không chỉ riêng đại học.
Trước những khó khăn và áp lực của con em, sự hỏi han và yêu thương ấm áp từ bố mẹ chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất, giúp các em cố gắng và không cảm thấy cô đơn sau những bài thi. Điều này tạo ra nguồn động lực để các em nhìn về phía trước và không mất niềm tin. Đó cũng là bài học mà các bậc phụ huynh cần học. Chúng ta không nên kỳ vọng quá cao, quá nhiều, để các em bớt cảm thấy áp lực và căng thẳng. Điều này sẽ giúp các em bước ra khỏi những cú sốc sau kỳ thi mệt mỏi.