Bức tranh về thị trường thương mại điện tử (TMĐT) đang bắt đầu khởi sắc, doanh thu bán lẻ trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam đã tăng 78,69% trong quý I/2024, đạt được 71,2 nghìn tỷ đồng (khoảng 2,8 tỷ USD).
Trong quý I/2024 đã ghi nhận những tín hiệu tăng trưởng vô cùng tích cực của sàn TMĐT. (Ảnh minh hoạ)
Những năm gần đây, TMĐT đã không còn là khái niệm quá xa lạ đối với người tiêu dùng Việt Nam. Việc mua sắm online đang ngày càng trở thành 1 phần không thể thiếu trong thói quen tiêu dùng của mọi người bởi tính linh hoạt, tiện lợi và tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí.
Đặc biệt trong quý I/2024, sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế trong nước đã góp phần mang lại những tăng trưởng vượt bậc cho thị trường sàn TMĐT.
Theo báo cáo mới đây của nền tảng phân tích dữ liệu thương mại điện tử Metric, tổng doanh số trên 5 sàn TMĐT lớn nhất tại Việt Nam hiện nay (Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop) đã đạt mức 71,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tới 78,69% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này vượt xa kỳ vọng bởi theo nhiều dự báo, doanh số thị trường TMĐT năm 2024 sẽ chỉ tăng khoảng 35% so với 2023.
Đồng thời, Metric ghi nhận 510.500 gian hàng phát sinh đơn đặt hàng (+9%); 13,1 triệu sản phẩm có lượt bán (+10%) và 766,7 triệu đơn vị sản phẩm được giao thành công (+83%). Cùng rất nhiều chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa được triển khai, người dân đang có xu hướng chi tiêu thoải mái hơn so với giai đoạn hậu COVID-19.
Bên cạnh sự hồi phục của nền kinh tế, thì các doanh nghiệp đang ngày càng có niềm tin vào sự phát triển của thị trường bán lẻ trực tuyến. Và để tiếp cận với số lượng khách hàng khổng lồ thì TMĐT sẽ là sân chơi buộc các doanh nghiệp phải tham gia. Tuy nhiên, mảnh đất “màu mỡ” này lại là thị trường vô cùng khắc nghiệt với sự cạnh tranh liên tục và các doanh nghiệp có thể bị đào thải bất cứ lúc nào nếu không có chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Đối với mức độ tăng trưởng trong ngành hàng, ngành Làm đẹp cho thấy sức ảnh hưởng của mình khi ở vị trí quán quân trong bảng xếp hạng những ngành hàng có doanh số cao nhất và mang lại tổng cộng 11,25 nghìn tỷ đồng cho cả 5 sàn TMĐT trong 3 tháng đầu năm. Đáng chú ý, ngành hàng Điện gia dụng cũng tăng trưởng thần tốc với mức doanh số tăng trưởng 146,8% và sản lượng bán tăng tới gần 370%.
Hà Nội và TP.HCM là hai khu vực dẫn đầu với doanh số và sản lượng bán dựa trên địa điểm đặt kho, chiếm tổng cộng trên 70% toàn thị trường. Đây cũng được coi là đại diện văn hóa tiêu dùng của 2 miền Nam - Bắc. Ngoài ra, trong top 10 khu vực có doanh số cao nhất, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Hải Dương và Bình Dương là những tỉnh thành có mức độ tăng trưởng thần tốc so với cùng kỳ 2023. Các doanh nghiệp địa phương khác cũng có bước tiến vô cùng mạnh mẽ với mức tăng trưởng đều trên 50%.
Theo các chuyên gia dự báo trong quý II/2024, tổng doanh số trên 5 sàn bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam hiện nay sẽ đạt mức 84,87 nghìn tỷ đồng với 882,12 triệu đơn vị sản phẩm được bán ra; tăng lần lượt 19,2% và 13,57% so với quý I/2024. Đây là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được khi thị trường đã có bước khởi đầu hết sức tích cực.