DĐDN đã có những trao đổi cùng ông Lee Bang Hyun - Giám đốc B2C & Online Công ty cổ phần Everpia về vấn đề này.
- Trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, trong khi đó các yêu cầu về phát triển bền vững ngày càng cao, công ty đã xây dựng chiến lược chiến lược phát triển, và hiện thực hóa chủ trương phát triển bền vững ra sao?
Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam (CSI) đã được VCCI triển khai được 8 năm. Tôi cảm thấy rất vui và vinh dự khi cả 8 lần Everpia đều được vinh danh.
Thực tế, hành trình phát triển bền vững của chúng tôi đã được khởi đầu từ những năm đầu thành lập. Là một trong những doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tiên tại Việt Nam, ngay từ khi thành lập thông điệp “Chia sẻ để thành công – Share for success” đã được hiện thực hóa qua việc tuân thủ chặt chẽ các quy định về môi trường – xã hội, các chính sách phúc lợi dành cho nhân viên và các hoạt động từ thiện xã hội. Những năm sau đó, chúng tôi không chỉ dừng lại ở con người mà còn hướng tới ngôi nhà chung – trái đất.
Everpia liên tiếp nhiều năm được vinh danh Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững.
Everpia hiểu rằng để hướng tới một tương lai trường tồn, sản xuất có trách nhiệm phải được đặt làm tôn chỉ hàng đầu bởi chúng tôi không chỉ sản xuất, chúng tôi còn tạo ra giá trị cho các bên liên quan.
Trong suốt thập kỷ qua, mục tiêu của công ty là chung tay chống biến đổi khí hậu theo mục tiêu mà chính phủ Việt Nam cam kết và cũng là mục tiêu của chính Everpia thông qua việc sử dụng hiệu quả năng lượng, xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn, đảm bảo môi trường làm việc an toàn và tích cực.
Bối cảnh khó khăn đã cho thấy chính phát triển bền vững đã giúp Everpia trụ vững trước những thách thức và biến đổi của thị trường. Chính những cam kết và hành động theo chiến lược bền vững đã giúp Everpia vượt qua các khó khăn, thách thức, kiến tạo các tiền đề mới cho tương lai.
- Ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả và sự hưởng ứng của các doanh nghiệp dệt may nói chung và ngành chăn ga gối đệm, bông tấm nói riêng trong các hoạt động liên quan tới phát triển bền vững?
Mục tiêu của ngành dệt may Việt Nam đến năm 2030 là chuyển dần trọng tâm sang phát triển bền vững và kinh doanh tuần hoàn. Để thực hiện thành công mô hình này, sự chia sẻ trách nhiệm giữa chính phủ và doanh nghiệp, giữa nhãn hàng và nhà máy là yếu tố cốt lõi.
Qua các hội thảo, diễn đàn và các chương trình giải thưởng, tôi nhận thấy sự đồng lòng và nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và của các doanh nghiệp trong việc xanh hóa quá trình sản xuất, nỗ lực đẩy mạnh và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang sản xuất “có trách nhiệm”, nhiều doanh nghiệp tiên phong đã đạt những thành công nhất định trong việc áp dụng các nguyên liệu tái chế, giảm chất thải và khí thải trong quá trình sản xuất và thậm chí là cân bằng carbon trong một số công đoạn.
Có thể nói, phát triển bền vững giờ đây không chỉ còn là xu hướng mà là sự cam kết, mục tiêu của nhiều công ty trong ngành dệt may.
Tại Everpia, để hiểu rõ hơn về thực trạng sử dụng năng lượng và đánh giá các tác động của hoạt động sản xuất kinh doanh tới môi trường, chúng tôi triển khai liên tục các chương trình cải tổ cho toàn bộ các nhà máy từ năm 2018. Hàng loạt các sáng kiến cải tổ từ chương trình đã giúp nâng cao hiệu quả việc quản lý nguồn lực trong sản xuất, tăng hiệu suất máy móc, thiết bị và tăng năng suất lao động. Hướng tới mô hình kinh tế tuần hoàn, Everpia ưu tiên lựa chọn nguyên vật liệu có nguồn gốc tự nhiên hoặc ít gây tác động tới môi trường trong suốt vòng đời.
Chúng tôi tích cực làm việc với chuỗi cung ứng để thúc đẩy sử dụng các nguyên vật liệu được chứng nhận thân thiện môi trường nhằm thực hiện mục tiêu tăng tỷ lệ sử dụng các nguyên vật liệu bền vững đối với từng loại nguyên vật liệu chính. Hiện tại, 100% các loại vải chúng tôi sử dụng cho Bộ sưu tập chăn ga gối hàng năm là vải có nguồn gốc tự nhiên, 90% xơ dùng cho sản xuất Đệm và Bông tấm là xơ tái chế.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hợp tác với các tổ chức quốc tế về phát triển bền vững như Liên đoàn may mặc bền vững (SAC), Diễn đàn dệt may (Textile Exchange) và NQA để quản trị tác động tới môi trường và đảm bảo hoạt động sản xuất của Everpia đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Chúng tôi vừa đưa nhà máy Everpia tại KCN Giang Điền, Đồng Nai đi vào hoạt động vào 07/07/2023 vừa qua. Đến thời điểm hiện tại đây là một trong 8 công trình tại Việt Nam được Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính Quốc tế trao chứng nhận EDGE ADVANCED dựa vào các chỉ tiêu tiết kiệm năng lượng, nước và vật liệu.
Bên cạnh trụ cột quản trị và môi trường, xã hội là trụ cột quan trọng thứ ba để định hướng Everpia tới sự phát triển bền vững. Trách nhiệm xã hội không chỉ thể hiện những giá trị mà chúng tôi mang lại mà còn thể hiện sự tôn trọng của chúng tôi dành cho người lao động, nhà cung cấp, người tiêu dùng và cộng đồng. Bên cạnh những chuẩn mực đạo đức kinh doanh đối với các bên liên quan, chúng tôi áp dụng Bộ tiêu chuẩn đánh giá tuân thủ trách nhiệm xã hội (BSCI) trong phạm vi doanh nghiệp.
- Theo ông đâu là rào cản và thách thức khiến các doanh nghiệp cùng ngành tại Việt Nam khó tiếp cận, hoặc triển khai chưa hiệu quả các chương trình này?
Theo tôi, hai thách thức lớn nhất đối với các doanh nghiệp đó là nguồn vốn và nguồn lực.
Bài toán tài chính là một trong những thách thức lớn nhất của các doanh nghiệp trong ngành. Triển khai các chương trình phát triển bền vững đòi hỏi đầu tư lớn và chi phí duy trì cao. Trong khi đó các doanh nghiệp vẫn phải duy trì sự ổn định về giá bán và chất lượng sản phẩm đã vô hình chung tạo ra áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp. Theo một số liệu thống kê mà tôi được biết, có tới 80% các doanh nghiệp dệt may là vừa và nhỏ tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc tiếp cận và huy động nguồn vốn để triển khai các biện pháp “xanh”.
Về nguồn lực, Việt Nam hiện tại chưa có nhiều nhân sự được đào tạo và có kiến thức chuyên môn về phát triển bền vững và các công nghệ xanh. Việc thiếu kinh nghiệm và chuyên môn không chỉ làm chậm quá trình triển khai các sáng kiến bền vững mà còn thiếu kỹ năng cần thiết để sáng tạo hoặc áp dụng các giải pháp mới một cách hiệu quả.
- Vậy cần thêm những cơ chế nào về chính sách, tín dụng, để doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc chuyển đổi, hướng đến phát triển bền vững?
Để giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh tôi nghĩ rằng cần nhiều biện pháp hỗ trợ từ chính phủ cụ thể như:
Một là, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại cung cấp tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi.
Hai là, phát triển và ban hành chi tiết, rõ ràng các quy định cụ thể về tín dụng xanh, bao gồm tiêu chuẩn, điều kiện vay và cơ chế giám sát.
Ba là, xây dựng các gói hỗ trợ tài chính, bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm khuyến khích đầu tư vào công nghệ sạch và tiết kiệm năng lượng.
Bốn là, Chính phủ nên cân nhắc cung cấp ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp sử dụng tín dụng xanh để thực hiện các dự án bảo vệ môi trường; giảm thuế nhập khẩu đối với thiết bị, máy móc công nghệ xanh.
Năm là, Chính phủ cũng có thể cân nhắc xem xét việc thành lập một quỹ tín dụng xanh để hỗ trợ trực tiếp cho các dự án thân thiện với môi trường. Quỹ này có thể được sử dụng để cấp vốn với lãi suất thấp hoặc hỗ trợ tài chính cho các dự án có tính bền vững cao.
- Trong bối cảnh kinh doanh toàn cầu khắc nghiệt, Everpia đã lên kế hoạch như thế nào cho năm 2024?
Tôi gọi năm 2024 là năm “hồi sinh” bởi chúng tôi sẽ xây kế hoạch và tầm nhìn cho năm 2024 dựa trên chính những khó khăn của những năm vừa qua. Điểm chung của mọi kế hoạch trong năm mới 2024 đều nhấn mạnh tầm nhìn phát triển bền vững bằng cách đảm bảo giá trị cho các bên liên quan gồm cổ đông, nhân viên, cộng đồng địa phương, khách hàng, đối tác kinh doanh và Trái đất. Chúng tôi sẽ tiếp tục truyền tải các giá trị tới đời sống gia đình của mỗi khách hàng thông qua duy trì chất lượng và giới thiệu tới thị trường các nhóm sản phẩm mới với các cải tiến vượt bậc.
Trong quá trình “trẻ hóa” và đa dạng hóa nhóm khách hàng mục tiêu, chúng tôi nhận thấy vai trò to lớn của mình trong việc truyền tải thông điệp “sống xanh” và “bền vững” tới thế hệ tiêu dùng mới của Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!