Doanh nghiệp

Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp

Nguyên Bình 06/05/2025 09:17

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp vừa được Chính phủ trình Quốc hội đã đề xuất hàng loạt điều chỉnh nhằm tháo gỡ nút thắt trong đăng ký kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và quy định về giải thể.

Trong đó, các nội dung liên quan đến trách nhiệm người đại diện pháp luật, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và điều kiện giải thể doanh nghiệp được chú ý đặc biệt.

z6572445814101_b49403533d2baa78a98207b0841ac788.jpg
Ảnh minh họa.

Dự thảo luật sửa đổi lần này là một bước tiếp theo trong nỗ lực hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam. Với ba nội dung nổi bật là thay đổi quy định về người đại diện theo pháp luật, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và điều kiện giải thể, dự luật hướng đến mục tiêu gỡ vướng và tăng tính thực tiễn.

Minh định vai trò và trách nhiệm người đại diện theo pháp luật

Một trong những điểm đáng chú ý là quy định mới về người đại diện theo pháp luật. Dự thảo bổ sung quy định: “Trường hợp doanh nghiệp có từ hai người đại diện theo pháp luật trở lên, điều lệ công ty phải quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người.”

Đây là động thái cần thiết trong bối cảnh thời gian qua đã xảy ra không ít tranh chấp do không rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn giữa các đại diện. Việc minh định vai trò từng người giúp doanh nghiệp tránh được rủi ro pháp lý, đồng thời tăng sự minh bạch trong quản trị.

Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định về xử lý khi người đại diện theo pháp luật không thực hiện hoặc không thể thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình. Điều này nhằm đảm bảo hoạt động doanh nghiệp không bị đình trệ trong các tình huống bất khả kháng như bệnh tật, mất tích hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đơn giản hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

Về thủ tục hành chính, dự thảo đề xuất bỏ yêu cầu nộp bản sao Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền khi thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp. Thay đổi này được kỳ vọng sẽ giảm bớt gánh nặng thủ tục, phù hợp với chủ trương cải cách hành chính và chuyển đổi số.

Hiện nay, các doanh nghiệp khi làm thủ tục phải chuẩn bị nhiều loại giấy tờ lặp lại hoặc không cần thiết, gây mất thời gian và chi phí. Việc cắt giảm giấy tờ không làm giảm chất lượng kiểm soát, nhưng lại góp phần tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Ngoài ra, dự thảo còn làm rõ hơn về hình thức nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng bản điện tử, phù hợp với xu thế số hóa trong quản lý nhà nước và tạo điều kiện để đồng bộ với các cơ sở dữ liệu quốc gia.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi sửa đổi, bổ sung quy định rõ phạm vi, trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh trong tổ chức đăng ký kinh doanh; thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp theo quy định pháp luật trong phạm vi địa phương; ban hành quy trình kiểm tra, giám sát đăng ký kinh doanh; ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương trong quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp sau đăng ký thành lập (khoản 3 Điều 215).

Theo tờ trình của Chính phủ, việc sửa đổi này là nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, đặc biệt là trách nhiệm đối với các nội dung “hậu kiểm” nhằm giảm tối đa tình trạng vốn ảo, đăng ký khống vốn điều lệ, tăng cường tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp.

Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND địa phương trong đăng ký, thanh tra, kiểm tra, giám sát doanh nghiệp, ban hành quy trình và quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhằm tăng quyền chủ động trong quản lý doanh nghiệp tại địa phương (Khoản 3 Điều 215).

Rà soát, điều chỉnh điều kiện giải thể doanh nghiệp

Liên quan đến giải thể doanh nghiệp, dự thảo luật sửa đổi theo hướng siết chặt điều kiện để tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở pháp luật nhằm trốn tránh nghĩa vụ tài chính. Cụ thể, nếu doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa hoàn thành thì không được phép giải thể, trừ khi có thỏa thuận hoặc quyết định khác của cơ quan có thẩm quyền.

Quy định này nhằm ngăn chặn tình trạng doanh nghiệp bỏ trốn, “bốc hơi” sau khi nợ đọng thuế, bảo hiểm, lương nhân viên... không chỉ gây thất thu ngân sách mà còn tạo môi trường kinh doanh thiếu công bằng.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề xuất bổ sung thẩm quyền của cơ quan đăng ký kinh doanh trong việc từ chối giải thể nếu phát hiện doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ.

Dự kiến, dự án luật sửa đổi này sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO