Cơ hội để ngành thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia

Hương Lan - Huy Hoàng 17/06/2024 23:38

Thép không chỉ là vật liệu xây dựng mà còn là lương thực của các ngành công nghiệp nặng và quốc phòng. Sự tăng trưởng của ngành thép đi đôi với sự tăng trưởng của ngành công nghiệp và nền kinh tế. Do đó, việc tháo gỡ khó khăn, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất thép trong nước là vấn đề hết sức cấp bách hiện nay.

Thép không chỉ là vật liệu xây dựng mà còn là lương thực của các ngành công nghiệp nặng và quốc phòng. Sự tăng trưởng của ngành thép đi đôi với sự tăng trưởng của ngành công nghiệp và nền kinh tế. Do đó, việc tháo gỡ khó khăn, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất thép trong nước là vấn đề hết sức cấp bách hiện nay.

Ngành thép luôn được Nhà nước xác định là ngành công nghiệp được ưu tiên phát triển trong quá trình phát triển đất nước. Nhờ sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, ngành thép đã đạt những kết quả quan trọng.  Sản lượng thép tăng bình quân 14,25%/năm trong giai đoạn 2011-2022, đặc biệt giai đoạn 2016-2022 tăng mạnh 27,11 %/năm. Sản xuất thép thô, thép xây dựng, thép cán nguội đã cơ bản đáp ứng nhu cầu trong nước, trong đó sản xuất thép thô của Việt Nam hiện đứng vị trí thứ 13 thế giới và đứng đầu khu vực ASEAN.

Đánh giá về ngành thép Việt Nam, tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: Ngành công nghiệp thép Việt Nam thời gian vừa qua đã có nhiều phát triển rõ nét. Cơ cấu sản xuất thép chuyển dịch tích cực theo hướng gia tăng tỷ trọng sản lượng thép cán và giảm tỷ trọng sản lượng thép hình.

Xuất khẩu tăng trưởng tốt và chuyển dịch tích cực theo hướng gia tăng tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường có yêu cầu cao về thông số kỹ thuật, chất lượng và các tiêu chuẩn về môi trường như Mỹ, EU và một số nước châu Á-Thái Bình Dương. Trong bối cảnh phải cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong sản xuất thép hình (chiếm trên 60% tổng sản lượng sản xuất trong nước) và thép hợp kim (trên 70%).

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, ngành thép hiện còn gặp nhiều khó khăn do cầu thế giới và tăng trưởng kinh tế trong nước vẫn chưa phục hồi hoàn toàn so với giai đoạn trước đại dịch, đặc biệt là sự sụt giảm của ngành bất động sản dẫn đến nhu cầu thép đầu vào cho sản xuất các ngành công nghiệp xây dựng và xuất khẩu giảm; giá nguyên liệu tăng khiến chi phí sản xuất cao; tồn kho thép lưu thông ngoài thị trường còn ở mức cao, ….

Bên cạnh đó, năng lực sản xuất của ngành thép còn hạn chế, Việt Nam vẫn là quốc gia nhập siêu về thép. Sản xuất thép thô mới cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, còn thiếu hụt sản phẩm thép chất lượng cao, thép kỹ thuật. Việt Nam vẫn tiếp tục nhập khẩu thép cán (chiếm trên 50% tổng kim ngạch nhập khẩu), trong đó chủ yếu là thép cán nóng.

Ngành thép phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài dẫn đến tình trạng bị động về giá, khi giá nguyên liệu đầu vào biến động thì giá thép trong nước cũng phải điều chỉnh theo. Trong khí công nghệ sản xuất vẫn còn hạn chế. Ngoại trừ một số khu liên hợp gang thép mới hình thành thời gian gần đây có công nghệ khép kín từ thượng nguồn có công suất thuộc nhóm trung bình cao của thế giới như Khu liên hợp gang thép Hưng Nghiệp Fomosa, Dung Quất… phần lớn các đơn vị sản xuất còn lại có quy mô nhỏ (dưới 0,5 triệu tấn/năm), sử dụng công nghệ không khép kín, lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng nên khả năng cạnh tranh thấp và gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh những khó khăn chung của ngành thép như phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, năng lực sản xuất còn hạn chế…., doanh nghiệp trong lĩnh vực này còn đối mặt với nhiều nguy cơ mất thị trường nội địa.

Lý giải vấn đề này, ông Nghiêm Xuân Đa - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, với đà phục hồi hiện nay, dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, khó khăn đầu tiên là việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa.

Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc cho thấy, 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc xuất khẩu 45 triệu tấn thép, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Thép Trung Quốc tiếp tục ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Riêng 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép hơn 5,4 triệu tấn, tăng 42% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu thép từ Trung Quốc 3,7 triệu tấn, chiếm 68% tổng lượng nhập khẩu.

Bên cạnh đó, tình trạng "cung vượt cầu" của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về giá cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn. Thị trường thế giới nhiều bất ổn, giá cước vận tại quốc tế tăng… cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành thép.

Sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ sản xuất trên toàn thế giới khi các nước đều tăng cường các "hàng rào" kỹ thuật, phòng vệ thương mại ngăn cản thép nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước cũng là lực cản không nhỏ đối với việc xuất khẩu thép cuả Việt Nam hiện nay. Tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép. Các sản phẩm thép bị điều tra khá đa dạng, gồm thép mạ, thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu, ống thép, mắc áo bằng thép, đinh thép,… Những vụ kiện này hầu hết xảy ra ở các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Úc…, trong đó Hoa Kỳ là nước điều tra nhiều nhất với Việt Nam.

Trước những khó khăn này, VSA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam. Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.

Đồng thời, Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm có chính sách ổn định tỷ giá, duy trì giá điện hợp lý, ưu đãi lãi suất vay vốn đầu tư với dự án thép có quy mô lớn bởi do đặc thù các dự án sản xuất thép cần chi phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài. VSA cũng đề nghị các đơn vị liên quan sớm nghiên cứu giải pháp và các gói tài chính xanh hỗ trợ doanh nghiệp thép chuyển đổi xanh theo Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và cam kết của Chính phủ tại COP26.

Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đang gặp phải, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sắt thép, từ góc độ quản lý ngành, Bộ Công Thương đề xuất tập trung vào những nhóm giải pháp chủ đạo.

Đối với các giải pháp hoàn thiện thể chế, chính sách, Bộ Công Thương đang xây dựng và dự kiến sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời, tập trung hoàn tất dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật phát triển công nghiệp trọng điểm. Theo đó, mục tiêu dài hạn là phát triển ngành công nghiệp thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành hữu quan sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển ngành thép như các chính sách về thuế các loại (thuế nhập khẩu, thu nhập doanh nghiệp...), thu hút đầu tư, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia đối với các sản phẩm ngành thép; cấp phép thăm dò, khai thác tài nguyên phục vụ sản xuất thép; tiếp tục phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý ngành thép...

Đối với các giải pháp thu hút đầu tư, tạo nguồn nguyên liệu, phát triển sản xuất, Bộ Công Thương sẽ tập trung phát triển năng lực sản xuất trong nước, đặc biệt là phát triển nguồn cung ứng nguyên vật liệu cho ngành thép và hệ thống các doanh nghiệp trong nước có năng lực sản xuất và phát triển thị trường. Khuyến khích hợp tác thăm dò, khai thác nguyên liệu tại nước ngoài phục vụ sản xuất trong nước.

Đặc biệt, ưu tiên phát triển các sản phẩm thép yêu cầu kỹ thuật cao, hiện nay trong nước chưa sản xuất được hoặc năng lực cung cấp còn chưa đáp ứng, như: Thép cán nóng HRC, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu, thép cường độ cao, siêu nhẹ sử dụng cho các thiết bị vận tải cho ngành sản xuất xe hơi...

Đối với các giải pháp phát triển thị trường, thúc đẩy tiêu thụ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các Bộ ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai thực hiện các dự án đầu tư công; tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, dẫn dắt, thu hút đầu tư toàn xã hội để gia tăng tổng cầu cho ngành thép.

Đồng thời, khẩn trương triển khai hiệu quả các Quy hoạch vùng, địa phương và các quy hoạch ngành quốc gia, trong đó có 4 quy hoạch ngành trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, góp phần tạo nhu cầu tiêu thụ và khai thác, chế biến khoáng sản phục vụ sản xuất thép.

Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho ngành thép của Việt Nam; hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép khai thác hiệu quả các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên và các liên kết kinh tế quốc tế để phát triển thị trường, mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu thép, cũng như tìm kiếm nguồn nguyên liệu có giá cả hợp lý từ nước ngoài…

Về hỗ trợ vay vốn, Bộ Công Thương đã đề xuất Bộ Tài chính rà soát, cập nhật và có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu phù hợp đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá; đề xuất Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại triển khai các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, sản xuất, kinh doanh thép.

Đối với vấn đề thép nhập khẩu ồ ạt vào thị trường, Bộ Công Thương đã thường xuyên rà soát, đánh giá tác động của hoạt động nhập khẩu thép, tiếp nhận phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp kịp thời bảo vệ doanh nghiệp tại thị trường nội địa thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp, tự vệ thương mại) và biện pháp kĩ thuật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội để ngành thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO