Ngày 21/11, tại TP. Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg, ngày 29/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong nhấn mạnh, việc triển khai Chỉ thị 30/CT-TTg được tổ chức vào thời điểm rất quan trọng, rất đặc biệt quan trọng. Việt Nam đang đứng trước cơ hội, vận hội mới, mở ra một kỷ nguyên mới, đó là kỷ nguyên vươn mình của dân tộc để đi vào giàu có và thịnh vượng.
Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết công nghiệp văn hóa được xem là một trung tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và sắp tới sẽ đưa vào văn kiện, dự thảo văn kiện trình Đại hội Đảng thì văn hóa được đặt ở vị trí trung tâm, một trong những vấn đề hàng đầu của đất nước.
Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng.
Tiêu biểu như Di tích Nhà tù Hỏa Lò và Văn Miếu - Quốc Tử Giám ở Hà Nội mở cửa với chất lượng dịch vụ tốt đã tạo doanh thu mạnh mẽ, vượt qua khả năng đề ra. Đó là sản phẩm công nghiệp văn hóa rất độc đáo.
Ngành Điện ảnh, hay lĩnh vực thiết kế, phần mềm sáng tạo, sản phẩm thực phẩm… của Việt Nam ngày càng có nhiều thế mạnh và tinh hoa.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã đóng góp khoảng 4,04% GDP cả nước và dư địa phát triển còn rất lớn.
Do đó, Hội nghị quán triệt Chỉ thị số 30 là dịp để các cơ quan chức năng lắng nghe, bàn sâu thêm về vấn đề công nghiệp văn hóa và xây dựng các chính sách cụ thể với những chủ trương, giải pháp để đẩy mạnh thực hiện chỉ thị này ở các bộ, ngành, đặc biệt ở các địa phương được xác định là trọng điểm về phát triển công nghiệp văn hóa - Thứ trưởng Hồ An Phong cho hay.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, từ năm 2015 trở lại đây, Đà Nẵng luôn nỗ lực triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong việc đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
Trong đó, sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa được xác định là mũi nhọn thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững của văn hóa. Thành phố xác định phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa trên 12 lĩnh vực; trong đó tập trung vào quảng cáo, phần mềm và các trò chơi giải trí, thiết kế, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa.
Theo Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu, dù phát triển công nghiệp văn hóa còn khá mới lạ tại Việt Nam, nhưng các sản phẩm thuộc các ngành công nghiệp văn hóa cũng đã có ít nhiều tạo ra hiệu ứng du lịch. Rõ ràng, phát triển công nghiệp văn hóa là đòn bẩy để thúc đẩy du lịch.
Để phát huy vai trò của ngành công nghiệp văn hóa trong mối liên kết với du lịch, Phó Cục trưởng Du lịch quốc gia Hà Văn Siêu đề xuất, trước hết cần xây dựng và định vị thương hiệu du lịch văn hóa quốc gia, nhấn mạnh bản sắc văn hóa đặc thù của từng vùng và địa phương để tạo nên hình ảnh độc đáo, cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Cùng với đó là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và các nền tảng số trong quảng bá, tiếp thị. Đây cũng là một nhiệm vụ quan trọng, giúp du khách tiếp cận dễ dàng với thông tin và trải nghiệm văn hóa Việt Nam từ xa.
Bên cạnh đó, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, cân bằng giữa khai thác du lịch và bảo vệ di sản sẽ góp phần duy trì tính bền vững cho ngành.
Khuyến khích đầu tư và huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng tham gia bảo tồn tồn tại và phát triển du lịch văn hóa, góp phần quảng bá sâu rộng giá trị văn hóa của đất nước .