Chính sách

Đề xuất áp thuế 15.000 đồng/bao thuốc lá vào năm 2030

TH 05/04/2025 18:22

Việc tăng thuế thuốc lá có thể giảm đáng kể tỉ lệ hút thuốc, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách để đầu tư vào các chương trình y tế và phát triển xã hội.

Theo đó, Bộ Y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị áp dụng hệ thống thuế hỗn hợp (kết hợp thuế tuyệt đối và thuế theo tỉ lệ phần trăm hiện có) đối với thuốc lá.

7anh-thuoc-la-1733886093672303143696.jpeg
Mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 103 nghìn ca tử vong liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Cụ thể, áp dụng thuế hỗn hợp bao gồm thuế tỉ lệ đạt 75% giá bán lẻ và thuế tuyệt đối tăng lên ít nhất 5.000 đồng/bao thuốc lá vào năm 2026 và tăng dần theo lộ trình tới 15.000 đồng/bao vào năm 2030 để đảm bảo giá thuốc lá không trở nên rẻ hơn theo thời gian.

Theo Bộ Y tế, nếu áp dụng phương án này, Việt Nam có thể giảm đáng kể tỉ lệ hút thuốc lá, đồng thời tăng nguồn thu ngân sách để đầu tư vào các chương trình y tế và phát triển xã hội (dự kiến phương án này giúp nguồn thu thuế tăng thêm 29.000 tỉ đồng mỗi năm).

Cũng theo Bộ Y tế, trong nhiều năm qua, việc tăng thuế thuốc lá đã được nhiều quốc gia trên thế giới chứng minh là một trong những biện pháp hiệu quả để giảm tiêu thụ thuốc lá và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Có thể kể tới như Philippines đã thành công trong việc giảm tỉ lệ hút thuốc (từ 27% năm 2009 xuống còn 19,5% năm 2021) nhờ tăng thuế thuốc lá, đồng thời tăng doanh thu thuế lên 400%.

Cụ thể, doanh số thu thuế thuốc lá của Chính phủ Philippines đã tăng hơn 2 lần trong vòng 1 năm, từ 680 triệu USD (năm 2012) lên 1,66 tỉ USD (năm 2013), và tiếp tục tăng lên 2,9 tỉ USD (năm 2022).

Theo báo cáo của WHO, số lượng các quốc gia áp dụng thuế theo tỉ lệ phần trăm đối với thuốc lá đang ngày càng giảm (từ 45 quốc gia năm 2010 xuống còn 34 quốc gia năm 2022), và xu hướng chuyển đổi sang hệ thống thuế tuyệt đối hoặc thuế hỗn hợp ngày càng tăng lên.

Trong giai đoạn từ 2010-2022, số quốc gia áp dụng thuế hỗn hợp đã tăng từ 51 lên 64 nước, số quốc gia áp dụng thuế tuyệt đối tăng từ 59 lên 70 nước.

Một số ý kiến lo ngại rằng việc tăng thuế sẽ làm gia tăng tình trạng buôn lậu, nhưng thực tế cho thấy quản lý chặt chẽ và thực thi nghiêm ngặt có thể kiểm soát rủi ro này.

Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia cho thấy rằng việc tăng thuế không nhất thiết dẫn đến buôn lậu gia tăng, miễn là đi kèm với các biện pháp kiểm soát hiệu quả.

Chính sách thuế kết hợp với quản lý chặt chẽ không chỉ giúp giảm tỷ lệ tiêu dùng sản phẩm có hại như thuốc lá mà còn đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững, phục vụ các mục tiêu y tế công cộng.

Thêm vào đó, Việt Nam hiện đang đối mặt với tình trạng tỷ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên ngày càng tăng. Vì vậy, một chính sách thuế thuốc lá mạnh mẽ có thể giúp ngăn chặn thói quen này ngay từ khi còn nhỏ. Bảo vệ giới trẻ là bảo vệ tương lai và sức khỏe cộng đồng chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất áp thuế 15.000 đồng/bao thuốc lá vào năm 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO