Sự kiện

Đề xuất bổ sung chính sách tín dụng, thu hút đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng

M.Thoa 07/05/2025 07:12

Chiều 5/5, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Dự thảo luật nhằm cụ thể hóa cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và tạo hành lang pháp lý vững chắc để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững ở Việt Nam.

a-dien.jpg
Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Quốc hội.

Trình bày trước Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Để hiện thực hóa cam kết phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, Việt Nam không chỉ cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo mà còn phải siết chặt và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Vì vậy, việc sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là yêu cầu cấp thiết.

Dự thảo luật lần này chuyển trọng tâm từ khuyến khích sang bắt buộc áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, cũng nhằm tháo gỡ các rào cản pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các hoạt động quản lý nhà nước, thúc đẩy hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả.

Bốn nhóm chính sách trọng tâm

Theo đó, dự thảo luật tập trung vào 4 nhóm chính sách gồm: Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Quản lý dịch vụ tư vấn, kiểm toán năng lượng và đào tạo nhân lực chuyên ngành; Ưu đãi và hỗ trợ tài chính cho các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chuyển đổi thị trường và kiểm soát hiệu suất thiết bị, phương tiện sử dụng năng lượng.

Đặc biệt, thủ tục hành chính sẽ được cắt giảm mạnh. Theo dự thảo, quy trình cấp giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng và chứng chỉ kiểm toán năng lượng sẽ giảm một nửa, góp phần giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp.

Thảo luận sôi nổi quanh các quy định cụ thể

Thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Lê Quang Huy cho biết: Về quy định dán nhãn năng lượng, việc bổ sung vật liệu xây dựng là đối tượng áp dụng nhận được ý kiến trái chiều. Quá trình thẩm tra một số ý kiến cho rằng điều này chưa phổ biến, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ do chi phí thử nghiệm cao. Ngoài ra, quy định chưa thống nhất giữa các điều khoản, dễ gây hiểu nhầm và khó thực thi.

Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu lại tính khả thi, bổ sung đối tượng áp dụng phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế và chỉnh lý các điều khoản để đảm bảo thống nhất toàn văn dự thảo.

Một nội dung đáng chú ý là đề xuất thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Quá trình thẩm tra có ý kiến đồng tình với đề xuất này, cho rằng Quỹ sẽ tạo nguồn lực tài chính ổn định và minh bạch để hỗ trợ các hoạt động tiết kiệm năng lượng, góp phần thực hiện Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Tuy nhiên, Ủy ban cũng đề nghị quy định rõ hơn về mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động, quản lý tài chính và trách nhiệm của các bên liên quan nhằm tránh chồng chéo với các nguồn tài chính khác và không gây thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Liên quan đến chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, nhiều ý kiến trong Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội cho rằng, quy định trong dự thảo còn chung chung và thiếu hướng dẫn cụ thể từ Chính phủ.

Ủy ban đề xuất cần rà soát, bổ sung các quy định hỗ trợ tín dụng, giúp doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, đồng thời mở rộng hợp tác quốc tế và thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất bổ sung chính sách tín dụng, thu hút đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO