Pháp luật đời sống

Đề xuất sàn thương mại điện tử xuyên biên giới phải có đại diện tại Việt Nam

Thu Hằng 21/01/2025 14:45

Quy định mới về việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới có văn phòng đại diện tại Việt Nam không chỉ đảm bảo việc quản lý hoạt động giao dịch được minh bạch mà còn nâng cao sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước.

Bộ Công Thương hiện đang xây dựng và lấy ý kiến về Dự thảo Luật Thương mại điện tử trong đó có nội dung đề xuất thương nhân, tổ chức có hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam phải xin cấp phép với Bộ Công Thương. Cùng với đó, họ phải thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam hoặc chỉ định đại diện theo ủy quyền của mình là pháp nhân tại Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, thương mại điện tử Việt Nam được các tổ chức đánh giá xếp thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về quy mô. Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

anh-man-hinh-2025-01-21-luc-00.21.00.png
Ảnh minh hoạ.

Tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử, kinh tế số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Tuy nhiên, với sự xuất hiện của các công nghệ mới, nền tảng mới như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, thương mại qua mạng xã hội, các mô hình thương mại điện tử ngày càng trở nên phức tạp và đa dạng, nhưng hiện chưa có quy định pháp luật điều chỉnh riêng biệt.

Các mô hình, xu hướng trên vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của các chính sách hiện hành và các vấn đề liên quan để bảo vệ dữ liệu cá nhân khiến cho việc quản lý gặp nhiều khó khăn, bất cập.

Đặc biệt, thời gian vừa qua hàng loạt sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein... chưa đăng ký hoạt động ở Việt Nam nhưng vẫn cho người dùng tải ứng dụng, mua hàng và thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt. Điều này tạo điều kiện cho hàng giá rẻ từ nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam, tạo cạnh tranh thiếu bình đẳng.

Do đó, những quy định mới về việc yêu cầu các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới có văn phòng đại diện tại Việt Nam không chỉ đảm bảo việc quản lý hoạt động giao dịch được minh bạch mà còn nâng cao sự bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong nước.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề xuất làm rõ trách nhiệm của chủ quản nền tảng số thương mại điện tử bán hàng. Các nền tảng này sẽ phải phân loại hàng trong nước hay nước ngoài bán trên nền tảng; phải cung cấp thông tin định kỳ, báo cáo về tình hình kinh doanh.

Đặc biệt, hàng hóa, dịch vụ nước ngoài được cung cấp vào thị trường Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và hàng hóa, dịch vụ của thị trường Việt Nam. Chính phủ quy định danh mục hàng hóa được phép nhập khẩu qua thương mại điện tử.

Với người bán hàng trên nền tảng số trung gian thương mại điện tử, dự thảo yêu cầu cần thực hiện định danh và xác thực điện tử trước khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ, cung cấp thông tin cho nền tảng số trung gian thương mại điện tử. Trách nhiệm và điều kiện với người thực hiện livestream, hoặc những người bán hàng, dịch vụ trên nền tảng thương mại điện tử được đề xuất thuộc danh mục các ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện.

Bộ Công Thương dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 vào tháng 10 năm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất sàn thương mại điện tử xuyên biên giới phải có đại diện tại Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO