Vấn đề quan tâm

Đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia: Kỳ vọng đột phá cho nhà ở xã hội

Nguyên Bình 22/07/2025 18:43

Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về dự thảo Nghị định thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia. Đây được kỳ vọng là công cụ tài chính trung và dài hạn, góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển nhà ở xã hội – lĩnh vực đang được coi là “nút thắt” trong chính sách an sinh tại Việt Nam.

rice-city-long-bien-1685006583061786845743.jpg
Phối cảnh dự án nhà ở xã hội Rice City Long Biên. Ảnh minh họa

Hai cấp quỹ, nhiều nguồn lực huy động

Theo dự thảo, Quỹ Nhà ở quốc gia sẽ gồm hai cấp: Quỹ trung ương do Bộ Xây dựng quản lý và quỹ địa phương do UBND cấp tỉnh thành lập, giao Sở Xây dựng tổ chức thực hiện. Cả hai cấp quỹ đều có tư cách pháp nhân riêng, được phép mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và ngân hàng thương mại theo quy định pháp luật.

Về quy mô, quỹ trung ương dự kiến được cấp vốn điều lệ ban đầu tối thiểu 5.000 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, tăng lên 10.000 tỷ đồng trong vòng 3 năm sau khi thành lập. Bên cạnh ngân sách Nhà nước, quỹ có thể huy động vốn từ các nguồn hợp pháp khác như: đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tiền thu từ bán nhà ở xã hội thuộc tài sản công; nguồn thu từ các hoạt động đầu tư của chính quỹ.

Tại địa phương, quỹ sẽ hình thành từ nguồn ngân sách địa phương sau khi được Hội đồng Nhân dân tỉnh chấp thuận. Ngoài ra, quỹ còn có thể tiếp nhận vốn từ nhiều nguồn: khoản tiền tương đương giá trị quỹ đất mà chủ đầu tư các dự án thương mại phải nộp khi thực hiện nghĩa vụ phát triển nhà ở xã hội, tiền thu từ bán nhà ở xã hội là tài sản công, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất... Những cơ chế đặc thù này được thiết kế để giúp địa phương linh hoạt hơn trong việc huy động và sử dụng nguồn lực phát triển nhà ở xã hội.

Tập trung đầu tư, không vì lợi nhuận

Quỹ Nhà ở quốc gia được định hướng hoạt động không vì lợi nhuận. Nhiệm vụ chính của quỹ là đầu tư xây dựng, quản lý vận hành các dự án nhà ở xã hội độc lập hoặc các khu nhà ở xã hội có hạ tầng kỹ thuật và xã hội đồng bộ để phục vụ nhu cầu thuê, thuê mua của người dân thu nhập thấp.

Ngoài ra, quỹ còn có thể tiếp nhận và cải tạo các công trình nhà ở thuộc tài sản công hiện do các cơ quan Nhà nước quản lý, hoặc mua lại nhà ở do tư nhân xây dựng để chuyển đổi công năng phục vụ mục tiêu cho thuê. Một chức năng đáng chú ý là quỹ được phép mua nhà ở thương mại để bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập.

Về tiến độ, thời hạn hoàn thành dự án nhà ở xã hội độc lập do quỹ đầu tư sẽ không vượt quá 5 năm. Riêng các dự án có hạ tầng đồng bộ, thời gian tối đa là 7 năm.

TS. Nguyễn Đức Kiên – nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ – nhận định, Quỹ Nhà ở quốc gia là cần thiết và phù hợp với thông lệ quốc tế. Ông cho rằng, mặc dù từng đề xuất giải thể hàng loạt quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách do hoạt động kém hiệu quả và trùng lặp nhiệm vụ, nhưng riêng với lĩnh vực nhà ở xã hội, việc có một quỹ độc lập là cần thiết để “chính quyền không đứng ngoài cuộc”.

“Ngay cả các nước phát triển như Đức, Pháp, Anh cũng có Quỹ Nhà ở quốc gia do chính quyền trung ương, vùng, bang quản lý. Quỹ không hoạt động vì lợi nhuận mà để đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm, công viên… bên ngoài dự án nhà ở xã hội. Đây là trách nhiệm của chính quyền, không phải của doanh nghiệp”, ông Kiên cho hay.

Theo ông, quỹ cần đầu tư để cho thuê hoặc thuê mua, phục vụ người dân có nhu cầu thật. Việc xây nhà để bán nên để thị trường điều tiết, doanh nghiệp tự hạch toán lời – lỗ.

Trong 5 tháng đầu năm 2025, cả nước mới chỉ xây dựng xong 22.619 căn hộ nhà ở xã hội, đạt 22,6% so với mục tiêu 100.000 căn trong năm. Gói tín dụng 145.000 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở xã hội – một kỳ vọng lớn trong chính sách hiện nay – cũng chưa mang lại chuyển biến rõ nét. Tính đến thời điểm hiện tại, gói này mới chỉ giải ngân được khoảng 3.400 tỷ đồng, dù đã 4 lần giảm lãi suất.

Tình trạng thiếu vốn, thiếu quỹ đất, thiếu cơ chế đặc thù và thiếu động lực cho nhà đầu tư tiếp tục là những rào cản lớn. Trong bối cảnh đó, việc thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia được xem là bước đi quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách về nhà ở, nhất là nhà ở xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia: Kỳ vọng đột phá cho nhà ở xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO