Tăng cường kết nối đường cao tốc, đường sắt Việt Nam - Trung Quốc là một trong những nội dung được lãnh đạo Chính phủ 2 nước đề cập thời gian gần đây. Đây là lĩnh vực hợp tác quan trọng trong khuôn khổ Sáng kiến “Vành đai và Con đường”, cũng là 1 trong 6 đột phá về hợp tác với Quảng Tây (Trung Quốc) được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra trong cuộc gặp lãnh đạo địa phương này.
Trong cuộc gặp gần đây nhất giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường hồi giữa tháng 9 tại Nam Ninh, Quảng Tây, hai bên đã nhất trí thúc đẩy kết nối chiến lược hợp tác xây dựng “Vành đai và Con đường” chất lượng cao, tăng cường kết nối đường bộ, xây dựng hệ thống logistics đa phương thức hiệu quả cao và bền bỉ, đem lại cơ hội mới cho doanh nghiệp và người dân hai nước.
Tại đây, Thủ tướng cũng đã tiếp ông Trần Vân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc (CREC). Tập đoàn này là tổng thầu thi công dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2 Cát Linh - Hà Đông với tổng giá trị hợp đồng EPC hơn 640 triệu USD. Tại cuộc tiếp, ông Trần Vân cho biết, Tập đoàn mong muốn tham gia đầu tư xây dựng các dự án đường sắt nằm trong Quy hoạch được Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt.
Thủ tướng tiếp ông Trần Vân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc CREC
Trong cuộc trao đổi với phóng viên VOV mới đây, ông Đỗ Bân (Du Bin), Giám đốc Trung tâm quản lý dự án của CREC tại Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào hợp tác giữa hai nước trong Kế hoạch kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
“Trung Quốc và Việt Nam luôn tìm hướng đa dạng hóa hợp tác và duy trì thương mại. Nhìn về tương lai, hai nước sẽ còn có nhiều tiềm năng hợp tác thực tế. Cả hai bên cần nỗ lực và tiếp tục đi đầu trong hợp tác chất lượng cao nhằm thúc đẩy Sáng kiến Vành đai và Con đường”, ông Đỗ Bân khẳng định.
Ông Đỗ Bân cho biết thêm, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2 Cát Linh - Hà Đông sẽ được mở rộng. Hiện hai bên đã nhất trí hợp tác cùng nhau để chuẩn bị thông qua dự án.
“Về dự án đường sắt đô thị Hà Nội kéo dài, chúng tôi tin tưởng rằng với việc chuẩn bị tích cực từ cả hai phía Trung Quốc và Việt Nam, đặc biệt là sự chỉ dẫn và giúp đỡ của chính quyền Hà Nội, dự án đường sắt đô thị mở rộng sẽ sớm được thực hiện”, ông Đỗ Bân nói.
Trước đó, tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc cũng đã trao đổi về khả năng nghiên cứu các phương án xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng khoảng 388km. Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Trung Quốc cùng các cơ quan Việt Nam trao đổi cụ thể về khả năng hợp tác theo hình thức phù hợp nhất, có lợi nhất cho hai bên.
Các dự án này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác trong hai hành lang kinh tế "Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng", "Nam Ninh - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng" và "Vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ", tăng cường hợp tác kinh tế thương mại giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc.
Theo Thủ tướng, tinh thần chung là “làm những gì tốt nhất cho quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc”. Quan trọng là triển khai cụ thể như thế nào để mang lại lợi ích thiết thực cho các bên trên tinh thần hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, đồng thời chia sẻ rủi ro.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc đang thúc đẩy kết thúc đàm phán Kế hoạch kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với Sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Theo VOV