Doanh nghiệp và các nhà xuất khẩu Việt Nam cần chủ động nắm bắt quy định chống phá rừng của EU

Đông Nghi 29/04/2024 07:30

Liên minh châu Âu đang có hành động rất mạnh mẽ trong việc yêu cầu chống phá rừng, giảm phát thải và các tiêu chí bền vững khác. Các sản phẩm cà phê cũng như nông sản khác của Việt Nam nếu muốn xuất khẩu sẽ phải đáp ứng tiêu chí này.

xuat-khau-nong-san

Các sản phẩm cà phê cũng như nông sản khác của Việt Nam phảp đáp ứng quy định chống phá rừng của EU. Ảnh minh họa

Mới đây, Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra quy định chống phá rừng (EUDR). Theo đó, những sản phẩm như cà phê, ca cao, gỗ và cao su... nếu xuất xứ từ vùng đất có rừng bị tàn phá, suy thoái sau ngày 31/12/2020 sẽ không được xuất khẩu vào thị trường EU. Đây cũng là rào cản rất lớn khi muốn xuất khẩu vào thị trường châu Âu.

Chia sẻ về vấn đề này tại hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng Tây Nguyên ngày 26/4 diễn ra ở Đắk Lắk, ông Lê Thanh Sơn - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) - doanh nghiệp (DN) đầu tiên của Việt Nam vừa được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR - cho biết, EUDR là quy định rất ngặt nghèo đối với những DN xuất khẩu vào châu Âu.

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thị trường châu Âu, chiếm 60% tổng sản lượng cà phê xuất khẩu. Hiện nay, châu Âu đưa ra những yêu cầu rất khắt khe về phát triển bền vững, đặc biệt là hai tiêu chí: chống phá rừng và chống phát thải carbon.

Nếu một DN ở châu Âu vi phạm nhập khẩu từ 1 đơn vị không đáp ứng được điều kiện này thì mức phạt rất cao, lên đến 4% trên tổng doanh thu của công ty trong 1 năm. Do đó các DN nước ngoài rất quan tâm đến EUDR.

Với quy định về chống phát thải carbon, sản phẩm được yêu cầu không còn phát thải carbon. Sản phẩm cà phê và tất cả các sản phẩm khác nông sản khác của Việt Nam cũng phải đáp ứng tiêu chí này. Đây là những rào cản rất lớn với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Những rào cản này rất cần được tháo gỡ và hỗ trợ. Đề nghị các cơ quan hữu quan có chính sách, chỉ đạo để DN có thể được tiếp cận, làm việc với các lãnh đạo các địa phương có vùng trồng để đáp ứng được những tiêu chí trên", ông Sơn đề xuất.

ca-phe

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thị trường châu Âu. Ảnh minh họa

Bà Trần Như Trang –đại diện quốc gia Chương trình Xúc tiến Nhập khẩu Thụy Sỹ (SIPPO)chia sẻ, EUDR là một quy định mới của Liên minh châu Âu và rất chặt.

Theo phân tích của giới chuyên gia, EUDR có thể ảnh hưởng đến 12 sản phẩm nông nghiệp. Với Việt Nam, SIPPO cho rằng, nó có thể ảnh hưởng nhiều hơn bởi vì có những sản phẩm chưa được liệt kê như thuỷ sản. Chẳng hạn như tôm được nuôi ở rừng ngập mặn nên cũng liên quan đến rừng, theo đó cũng phải tuân thủ quy định EUDR.

Do đó, những quy định hiện nay của EU đưa ra có thể DN chưa hình dung ra yêu cầu cụ thể của họ là gì và thực sự chứng minh được yêu cầu này mới là khó khăn và gian nan.

DN phải tìm 1 phương thức mới để thị trường chấp nhận sản phẩm của mình. Các quy định bền vững của EU đưa ra rất chặt chẽ và thực ra hiện nay rất nhiều khách mua hàng cũng chưa biết phải làm như thế nào.

Xu hướng ở châu Âu cho thấy, điều đầu tiên khiến khách mua hàng tìm đến là các loại chứng chỉ, chứng nhận giúp cho DN và các nhà cung cấp có thể sẵn sàng luôn để đáp ứng những quy định thay vì DN phải tự đầu tư để làm hệ thống chứng nhận, hệ thống thông tin cũng như chứng minh khả năng tuân thủ của mình.

"Nếu như các DN và các nhà xuất khẩu Việt Nam có thể chủ động nắm bắt và chuẩn bị sẵn sàng thì đây chính là điều mình có thể bán luôn được và được khách mua hàng chấp nhận. DN cần chủ động nắm bắt và chủ động chuẩn bị đáp ứng các yêu cầu thì khi đó chúng ta sẽ có ngay khách mua hàng", bà Trang nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo bà Trang, không phải mỗi châu Âu, ngay cả các thị trường khác, họ cũng yêu cầu về bền vững như châu Âu. Do đó, việc DN nắm bắt được những yêu cầu này và chủ động tìm các phương án, công cụ để được khách hàng chấp nhận là cần thiết và đây lại là lợi thế cạnh tranh của DN.

“Ngoài ra, các yêu cầu về bền vững hiện nay ở châu Âu rất nhiều và rất chặt. Hàng tuần, chúng tôi phải theo dõi thông tin cập nhật từ các thị trường. Các DN cũng cần có hành động tương tự để từ đó có chiến lược chuẩn bị", bà Trang khuyến nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp và các nhà xuất khẩu Việt Nam cần chủ động nắm bắt quy định chống phá rừng của EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO