Vấn đề quan tâm

Chuyển đổi xanh - Cuộc đua tiếp sức giữa các thành phần kinh tế

Vũ Đậu 31/03/2025 14:05

Chuyển đổi xanh là lựa chọn tất yếu của doanh nghiệp Việt Nam trong xu thế chung của quá trình hội nhập thương mại - đầu tư toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt mục tiêu Net Zero (đạt mức phát thải ròng bằng 0) vào năm 2050.

TS. Nguyễn Quốc Việt - chuyên gia kinh tế, giảng viên trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, Việt Nam đứng trước cơ hội rất lớn khi Đảng, Chính phủ quyết tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo động lực tăng trưởng mới kết hợp việc bảo vệ môi trường, thực hiện cam kết Net Zero.

Đây không còn là vấn đề nhìn nhận mà là bắt buộc, thích ứng chuyển đổi, hay nói cách khác là cuộc đua của các doanh nghiệp. Đây không phải cuộc đua cạnh tranh, mà đây là cuộc đua tiếp sức giữa các thành phần kinh tế, giữa các doanh nghiệp khác nhau trong chuỗi giá trị.

115chuyendoixanh.jpg
Ảnh minh họa

Theo TS Việt, việc chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên, áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao sản xuất, giúp doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, xuất khẩu, thương hiệu, sản phẩm được chứng nhận xanh, vượt qua rào cản thuế quan…

Ngoài ra, nếu tận dụng những cơ hội, hiểu rõ về cơ chế chính sách và thể chế toàn cầu lẫn trong nước, doanh nghiệp sẽ nhận được những hỗ trợ tích cực từ phía nhà nước, nhà đầu tư hoặc được tiếp cận các nguồn vốn từ nước ngoài.

Tuy nhiên, thực tế các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn khá lúng túng và gặp nhiều khó khăn trong quá trình chuyển đổi xanh, thực hiện các yêu cầu tuân thủ cũng như trách nhiệm giải trình trong hoạt động sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn xanh.

Theo TS. Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), 2 nút thắt khiến doanh nghiệp loay hoay trong chuyển đổi xanh hiện nay vẫn là bài toán hiệu quả kinh tế và chi phí đầu tư.

Việc chuyển đổi xanh đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư vào công nghệ, máy móc và quy trình sản xuất mới. Nếu không có sự hỗ trợ từ chính sách hoặc các nguồn tài chính ưu đãi, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khó có khả năng thực hiện.

Với góc nhìn từ cơ quan quản lý trong lĩnh vực môi trường, TS. Trần Công Thắng cho rằng, doanh nghiệp cần nhận thức rõ yêu cầu bắt buộc từ thị trường về chuyển đổi xanh, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, các tiêu chí về môi trường và xã hội ngày càng khắt khe hơn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải chủ động và có tầm nhìn xa trong việc đổi mới công nghệ. Chính sách thị trường có thể thay đổi bất cứ lúc nào, và nếu không có sự chuẩn bị trước, doanh nghiệp sẽ rơi vào thế bị động. Việc đầu tư công nghệ đòi hỏi chi phí lớn, nhưng nếu không chuyển đổi sớm, doanh nghiệp có thể mất đi cơ hội cạnh tranh.

Ngoài ra, trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường cần được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu. Nếu vẫn lạm dụng hóa chất và tài nguyên thiên nhiên, doanh nghiệp không chỉ làm tổn hại môi trường mà còn hủy hoại chính mình.

Tuy vậy, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng thẳng thắn nhìn nhận, quá trình chuyển đổi xanh trên, các doanh nghiệp có thể sẽ gặp không ít thách thức.

Trước tiên là bài toán hiệu quả kinh tế. Đối với nông dân, lợi nhuận vẫn là mối quan tâm hàng đầu. Đây là lý do cần có các cơ chế hỗ trợ để đảm bảo đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.

Khó khăn thứ hai là về chi phí đầu tư. Việc chuyển đổi xanh đòi hỏi nguồn vốn lớn để đầu tư vào công nghệ, máy móc và quy trình sản xuất mới. Nếu không có sự hỗ trợ từ chính sách hoặc các nguồn tài chính ưu đãi, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khó có khả năng thực hiện.

Chuyển đổi xanh không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để nâng cao uy tín của doanh nghiệp, khi việc đáp ứng các nền tảng và thể chế mới về sản xuất xanh - sạch sẽ tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho doanh nghiệp cam kết thực hiện. Và việc chuyển đổi xanh chỉ thực sự hiệu quả khi nó “thấm sâu” vào nhận thức của từng doanh nghiệp, từng người lao động...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi xanh - Cuộc đua tiếp sức giữa các thành phần kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO