Thời kỳ chuyển đổi kép mang đến không chỉ thách thức mà còn vô vàn cơ hội mới cho doanh nghiệp. Với sự kiên định và khả năng sáng tạo vượt trội, nữ lãnh đạo có tiềm năng trở thành lực lượng tiên phong, dẫn dắt quá trình chuyển đổi xanh và số hóa, góp phần kiến tạo một nền kinh tế phát triển bền vững và thích ứng linh hoạt trong kỷ nguyên mới.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT), tính đến tháng 8/2024 cả nước có khoảng 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, đóng góp hơn 60% GDP, tạo việc làm cho khoảng 30% lao động trong nền kinh tế. Trong số đó, có hơn 20% là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.
Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ số và các công nghệ mới đang làm thay nhanh chóng các mô hình sản xuất kinh doanh truyền thống. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi kép, trọng tâm là chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, trở thành xu thế không thể đảo ngược. Tuy nhiên, cũng đặt ra những thách thức chưa từng có cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do nữ làm chủ.
Tại Diễn đàn nữ doanh nhân Việt Nam 2024 mới đây, nhấn mạnh những thách thức của doanh nghiệp, bà Bùi Thu Thuỷ - Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) cho biết, xu thế chuyển đổi kép đặt ra nhiều thách thức cho cộng đồng doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do nữ làm chủ còn đối mặt nhiều khó khăn, nguồn lực tài chính, nhân lực và các giải pháp chưa đủ để triển khai "xanh" với "số".
Để giải quyết những thách thức trên, theo bà Bùi Thu Thuỷ, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng và sự hỗ trợ của các bên liên quan. Nhà nước cần đưa ra cơ chế, chính sách rõ ràng như thế nào là tiêu chí xanh, dự án xanh để tạo điều kiện cho ngân hàng giải ngân. Thời gian qua, nhiều ngân hàng chia sẻ chưa có tiêu chí về dự án xanh.
Với vai trò cơ quan nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp, những năm qua, Bộ KH&ĐT đã triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi kép, nhằm nâng cao năng lực đáp ứng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Bộ cũng đã phối hợp với nhiều nhà tài trợ để triển khai nhiều sáng kiến, xây dựng tài liệu hỗ trợ doanh nghiệp nhận diện tính sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi kép.
Bà Lê Thị Nam Phương, Chủ tịch Hội doanh nhân nữ Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư L.I.F.E cho biết, cho dù có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi, đặc biệt có mức hỗ trợ cao hơn với doanh nghiệp do nữ làm chủ, nhưng nếu các doanh nghiệp việc không kịp hành động không chỉ khiến doanh nghiệp không chỉ không theo kịp xu hướng mà còn có thể bị đẩy ra ngoài rìa.
“Đơn cử như chỉ cần một click chuột, người tiêu dùng Việt Nam có thể mua hàng ở Quảng Châu trên các sàn thương mại điện tử. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không phải là câu chuyện xa vời mà là sát sườn với các doanh nghiệp”, bà Nam Phương khẳng định.
Bà cũng đề nghị các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nữ cần phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp từ thực tiễn hoạt động của họ. Nhiều khi việc tiếp cận với các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp quá phức tạp, đòi hỏi nhiều thủ tục, làm khó doanh nghiệp.
Đối với các doanh nghiệp, bà Phương đề nghị các bước đi nhỏ, phù hợp với năng lực doanh nghiệp, nhưng cần phải bắt đầu làm ngay.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khuyến khích các nữ doanh nhân quan tâm hơn đến các xu hướng kinh doanh mới như mô hình kinh tế xanh, phát triển sản phẩm thân thiện với môi trường, ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch, góp phần bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững, nhằm đóng góp tích cực cho nền kinh tế và xã hội.