Doanh nghiệp xây dựng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức

Đông Nghi 15/04/2024 14:21

Bên cạnh những động lực tăng trưởng và tín hiệu sáng từ thị trường, hành trình phục hồi của các doanh nghiệp ngành xây dựng còn gặp không ít trở ngại.

xay-dung

Doanh nghiệp xây dựng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Ảnh minh họa

Theo Báo cáo về xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý 1 và dự báo quý 2/2024 mới đây của Tổng Cục thống kê, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng quý 1/2024 khó khăn hơn quý 4/2023 với 16,3% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn; 41,5% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh giữ ổn định và tới 42,2% doanh nghiệp nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Ngoài ra, dự báo quý 2/2024 so với quý 1/2024, 32,2% doanh nghiệp xây dựng nhận định hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn; 40,7% cho rằng giữ ổn định và 27,1% dự báo sẽ khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report, top 5 khó khăn lớn nhất trong năm 2024 được bao quát qua bốn bài toán lớn đặt ra cho các doanh nghiệp, đó là: Nợ đọng – thiếu vốn, Thiếu nguồn việc, Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp và  Chi phí.

Cụ thể, nợ đọng không phải là câu chuyện mới đối với lĩnh vực xây dựng. Hai năm trở lại đây, trong bối cảnh thị trường bất động sản nguội lạnh, dòng tiền của chủ đầu tư gặp khó, vấn đề này trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, vốn là đầu vào quan trọng cho sản xuất, kinh doanh nên khi cơ hội tiếp cận vốn đối với doanh nghiệp chưa tích cực, thì khả năng phục hồi và phát triển sẽ bị hạn chế. Đây là vấn đề rất lớn của nền kinh tế và từng doanh nghiệp, khi niềm tin từ thị trường trái phiếu, chứng khoán dù đã phục hồi, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, từ thực trạng thiếu việc làm tạo nên mất cân đối cung cầu đã khiến cho thị trường xây dựng trở nên cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết. Thậm chí, tình trạng cạnh tranh phá giá đã xảy ra. Không những thế, thị trường xây dựng trong nước kỳ vọng được hưởng lợi từ làn sóng FDI đang đổ về Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp xây dựng cũng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh đến từ các nhà thầu ngoại khi nhiều chủ đầu tư FDI dành sự ưu tiên cho các nhà thầu đến từ quốc gia của họ.

Cùng với đó, dù giá nguyên vật liệu, vật liệu xây dựng đã hạ nhiệt so với thời kỳ bão giá cách đây một năm, song việc biến động giá vẫn là nỗi lo thường trực đối với các doanh nghiệp xây dựng.

ong - hiep

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam. Ảnh DDDN

Tại “"Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới", ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam đã có những chia sẻ liên quan tới khó khăn của ngành xây dựng trong thời gian hiện nay. Theo quan điểm của ông Hiệp, cơ hội hiện tại chỉ đang mở rộng cho các doanh nghiệp xây dựng lớn, đặc biệt là những doanh nghiệp chuyên về phát triển hạ tầng kinh tế hoặc xây dựng các dự án đường cao tốc. Trong khi đó, những công ty với quy mô vốn đầu tư nhỏ và trung bình đang phải đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn trong việc tìm kiếm cơ hội và thị trường mới.

Bên cạnh đó, ông Hiệp cũng nhấn mạnh về tình trạng mất cân bằng giữa nợ thu và nợ trả của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng. Tình trạng này thường xảy ra khi các doanh nghiệp đầu tư tiền vào mua vật liệu xây dựng trước, nhưng sau đó gặp khó khăn trong việc thu hồi tiền sau khi dự án đã hoàn thành. Để giải quyết vấn đề này, Hiệp hội đã và đang đề xuất với Chính phủ việc thiết lập các cơ chế bảo vệ cho nhà thầu, nhằm đảm bảo công bằng và bền vững trong hoạt động kinh doanh của ngành này.

Để giải quyết vấn đề nợ đọng trong ngành xây dựng, ông Hiệp đề xuất cần thiết lập một cơ chế chặt chẽ giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Ông cho rằng cơ chế đơn giá định mức Nhà nước hiện nay đã lạc hậu và gây ra những bất cập, tạo nên tình trạng thị trường hai giá. Do đó, việc hình thành đơn giá tổng hợp, tương tự như các nước tiên tiến, nhằm giải quyết những hạn chế trên là vô cùng quan trọng. Ngoài ra, ông Hiệp cũng đưa ra nhận xét trong những năm gần đây, hầu hết các ngành hàng, đặc biệt là xuất khẩu gạo, hải sản hay dệt may đều có những chuyển biến tích cực, chỉ có riêng đầu tư bất động sản là đi xuống.

Lấy ví dụ về vấn đề định giá đất đai, theo ông hiện đang chưa có một quy định rõ ràng mà chỉ theo quy luật giá sau tăng hơn giá trước, từ đó khiến không thể kiểm soát thị trường, gây ra tâm lý lo lắng cho các nhà đầu tư.Với vấn đề này, ông Hiệp kiến nghị cần thiết lập một hành lang pháp lý chặt chẽ, tăng cường đầu tư từ tư nhân và mở rộng sự tham gia của các doanh nghiệp vào việc đóng góp ý kiến vào Luật đất đai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp xây dựng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO