Điểm đến đầu tư

Đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại của cả nước

N.M 04/04/2025 08:35

Đó là một trong những kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 149/TB-VPCP ngày 02/4/2025 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc.

tppy-17165237197941799619396-1743672348245490462761.jpg
Vĩnh Phúc quyết liệt triển khai, bảo đảm tiến độ sắp xếp, tinh gọn bộ máy và sắp xếp địa giới hành chính theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương. Ảnh: VGP

Nội dung Thông báo nêu rõ: Trong 5 năm qua (2021 - 2025), tỉnh Vĩnh Phúc đã cơ bản thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị, đạt và vượt 24/29 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Trong năm 2024, tỉnh đã đạt nhiều kết quả ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực, với 15/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Là một trong 6 tỉnh, thành phố không còn nhà tạm, nhà dột nát theo Chương trình phát động của Trung ương. Tỉnh đã xây dựng kịch bản tăng trưởng theo hướng rất tích cực, phấn đấu GRDP tăng 10-11% (cao hơn 2% so với mục tiêu Chính phủ giao là 9%).

Các lĩnh vực văn hóa xã hội được chú trọng, tập trung phát triển. Công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện tốt, tỷ lệ hộ nghèo năm 2025 ước còn 0,3%. Chất lượng giáo dục được đánh giá nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước, công tác khám, chữa bệnh có nhiều tiến bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng lên, thu nhập người dân năm sau cao hơn năm trước...

Tuy nhiên, tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần khắc phục như: Tăng trưởng kinh tế chưa bền vững; tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh rất tốt so với các địa phương khác, nhưng phát triển chưa tương xứng trên tất cả các lĩnh vực. Công nghiệp Vĩnh Phúc chuyển đổi, phát triển nhanh nhưng chưa đa dạng, còn phụ thuộc vào một số ngành như sản xuất, lắp ráp ô tô. Tỷ trọng ngành dịch vụ trong cơ cấu kinh tế còn thấp; thu ngân sách chủ yếu vẫn dựa vào một số doanh nghiệp FDI. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX), xếp thứ 39/63 tỉnh, thành phố...

Phấn đấu tiên phong, đổi mới mạnh mẽ trong phát huy tự lực, tự cường, tự chủ

Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh yêu cầu tỉnh Vĩnh Phúc trong thời gian tới cần tập trung quyết liệt triển khai, bảo đảm tiến độ sắp xếp, tinh gọn bộ máy và sắp xếp địa giới hành chính theo chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, không để ảnh hưởng tới các nhiệm vụ chính trị, công việc. Đẩy mạnh hơn nữa triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia thông qua những kế hoạch, chương trình, đề án, dự án cụ thể.

Vĩnh Phúc phải tiên phong, đổi mới mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong phát huy tự lực, tự cường, tự chủ; phát triển nhanh, bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức.

Thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; bảo vệ môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc, biến giá trị văn hóa, sức mạnh nội sinh thành nguồn lực phát triển; phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, thống nhất và phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với các bộ ngành, cơ quan.

Tỉnh phải xây dựng chương trình, kế hoạch để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng theo chỉ tiêu Chính phủ giao, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, khai thác tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Cần triển khai các công việc với tinh thần '3 có và 2 không': '3 có' là có lợi cho đất nước, có lợi cho người dân, có lợi cho doanh nghiệp trên cơ sở "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ"; "2 không" là không có động cơ cá nhân, tham nhũng, tiêu cực và không để thất thoát, lãng phí tài sản của Nhà nước, của nhân dân, tài nguyên của đất nước.

Đồng thời, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp, đặc biệt là thúc đẩy phát triển khu vực dịch vụ; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới trong các lĩnh vực, ngành mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, khai thác các không gian phát triển mới như không gian ngầm, phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí…

Đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại của cả nước

Tỉnh phải đa dạng hóa ngành nghề, sản phẩm, thị trường, chuỗi cung ứng để phát triển nhanh và bền vững, có thể ứng phó kịp thời với tình hình khi một số ngành nào đó gặp khó khăn.

Đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại của cả nước. Chuyển từ gia công, lắp ráp sang sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp.

thu-tuong-vinhphuc(1).jpg
Phấn đấu đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại của cả nước

Cùng với đó, tỉnh phải chủ động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông, xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao. Đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát huy tinh thần học tập suốt đời; chú trọng phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Đi đầu trong xây dựng cơ sở dữ liệu sức khỏe cho người dân, cơ sở dữ liệu về học sinh, xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hóa… Bảo đảm tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân năm sau cao hơn năm trước. Giải quyết vấn đề chênh lệch giữa GRDP/người và thu nhập bình quân đầu người để người dân Vĩnh Phúc được hưởng nhiều hơn các thành quả từ phát triển kinh tế.

Tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng của người dân, chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh. Tích cực, chủ động cắt giảm thủ tục hành chính (ít nhất là 30%), tạo điều kiện, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy đột phá về thể chế. Nâng cao chất lượng, hiệu quả trung tâm dịch vụ hành chính công theo cơ chế một cửa.

Đẩy mạnh huy động nguồn lực thông qua hợp tác công tư để phát triển hạ tầng giao thông, logistics và các dự án công nghiệp trọng điểm; xây dựng các mô hình "lãnh đạo công, quản trị tư", "đầu tư công, quản lý tư", "đầu tư tư, sử dụng công"...

Thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài, trực tiếp và gián tiếp; phát triển kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng cho tăng trưởng. Phát triển Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) thế hệ mới trong đó có công nghiệp, khu đô thị, thương mại - dịch vụ, công nghệ cao, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số.…

Đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển nhà ở xã hội, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu Chính phủ giao xây dựng 28.300 căn nhà ở xã hội đến năm 2030, bảo đảm công khai, minh bạch, hỗ trợ hiệu quả cho người mua, thuê mua nhà.

Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, trong đó xây dựng lực lượng vũ trang quốc phòng, an ninh vững mạnh, tinh, gọn, hoạt động hiệu quả, hiệu lực, tiến lên hiện đại. Chú trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xử lý nghiêm các sai phạm. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại của cả nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO