Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải về tình hình giá vé máy bay nội địa 4 tháng đầu năm 2024. Trong đó thông tin, giá vé phổ thông trung bình trên một số đường bay nội địa có tăng, nhưng vẫn ở dưới mức trần quy định.
Giá vé máy bay nội địa có tăng, nhưng vẫn ở dưới mức trần quy định. (Ảnh minh hoạ)
Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5 vừa qua, nhu cầu đi lại bằng đường hàng không của người dân tăng cao, ngoài số hành khách đặt sớm có thể mua được vé máy bay ở dải giá thấp, số còn lại đặt muộn, sát ngày bay thì phải trả tiền mua cao hơn. Đặc biệt ở một số thời điểm đường bay được lấp đầy với tỷ lệ cao thì việc đặt vé máy bay càng trở nên khó khăn hơn cùng với giá thành cao hơn.
Không chỉ riêng kỳ nghỉ lễ trên mà từ đầu năm 2024 đến nay, giá vé trung bình hạng phổ thông trên một số đường bay (giá đã bao gồm thuế, phí) của các hãng hàng không Việt Nam (hãng HKVN) đều tăng so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên vẫn luôn bảo đảm nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định hiện hành, cụ thể:
Đối với đường bay Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, giá vé trung bình của Vietnam Airlines (VN) khoảng 2,64 triệu đồng (tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023), Vietjet Air (VJ) khoảng 1,74 triệu đồng (tăng 25%), Bamboo Airways (QH) khoảng 2 triệu đồng (tăng 11%) và Vietravel Airlines (VU) khoảng 1,5 triệu đồng (tăng 15%).
So với mức giá tối đa theo quy định (3,4 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí), mức giá vé trung bình này của các hãng hàng không Việt Nam chỉ ở mức từ 44,1% (VU) đến 77, 6% (VN).
Còn đối với đường bay từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đi/đến Đà Nẵng, giá vé trung bình của VN khoảng 1,8 triệu đồng/đường bay (tăng từ 17%-26%), VJ khoảng 1,3-1,5 triệu đồng/đường bay (tăng từ 32%-38%), QH khoảng 1,3-1,6 triệu đồng/đường bay (tăng từ 13%-29%) và VU khoảng 1,1- 1,4 triệu đồng/đường bay (tăng từ 14%-20%).
Mức giá này so với mức giá tối đa theo quy định (2,89 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí), mức giá vé trung bình này của các hãng hàng không Việt Nam chỉ ở mức từ 38,1% (VU) đến 62,3% (VN).
Với đường bay từ Hà Nội - Phú Quốc áp dụng mức giá vé trung bình của VN khoảng 2,7 triệu đồng (tăng 13,8%), VJ xấp xỉ 1,8 triệu đồng (tăng 49,6%). So với mức giá tối đa theo quy định (4 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí) mức giá vé trung bình này của các hãng hàng không Việt Nam chỉ ở mức từ 45% (VJ) đến 68% (VN).
Đường bay từ Hà Nội - Nha Trang vẫn ở mức giá vé trung bình của VN khoảng 2 triệu đồng (tăng 7%), VJ khoảng 1,55 triệu đồng (tăng 39%), QH khoảng 1,45 triệu đồng (tăng từ 3%). So với mức giá tối đa theo quy định (3,4 triệu đồng, chưa bao gồm thuế, phí), mức giá vé trung bình này của các hãng hàng không Việt Nam chỉ ở mức từ 42,6% (QH) đến 60,8% (VN), mức giá của VJ chỉ ở mức 45,7%.
Theo Cục Hàng không, giá vé máy bay của các hãng Việt Nam tăng cũng nằm trong xu hướng chung trên thế giới. Nguyên nhân là bị tác động bởi 5 yếu tố chính gồm giá nhiên liệu lên cao, chênh lệnh tỷ giá, việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt&Whitney, giá thuê tàu bay tăng cao và tình hình cung cầu vận tải hàng không.
Tuy nhiên, trước những yếu tố đó, Cục Hàng không vẫn khẳng định giá vé nội địa của các hãng vẫn luôn đảm bảo nằm trong khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách theo quy định hiện hành.
Dẫn thông tin từ Báo cáo xu hướng toàn cầu (Global Trend Report) do FCM Consulting (một công ty cung cấp dịch vụ lữ hành đa quốc gia), Cục Hàng không cho biết, dự báo giá vé máy bay toàn cầu sẽ tăng 3 - 7% trong năm 2024 và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tới.