Mặc dù giá trị tuyệt đối cao hơn so với cùng kỳ năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bốn tháng đầu năm 2025 vẫn thấp hơn năm ngoái. Trong bối cảnh mục tiêu giải ngân được nâng lên 100%, nhiều giải pháp đang được Bộ Tài chính đề xuất để không xảy ra đứt gãy trong triển khai các dự án trọng điểm.
Giải ngân tăng về số tuyệt đối nhưng giảm về tỷ lệ
Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Chính phủ, tính đến ngày 30/4/2025, ước giải ngân vốn đầu tư công đạt khoảng 128.500 tỷ đồng, tương đương 15,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này cao hơn so với mức 110.500 tỷ đồng cùng kỳ năm 2024, nhưng về tỷ lệ lại thấp hơn (năm ngoái đạt 16,64%).
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đánh giá tiến độ trong tháng 4 đã có sự cải thiện đáng kể so với ba tháng đầu năm. Trong tổng số vốn đã giải ngân, nguồn từ ngân sách trung ương đạt 46.694 tỷ đồng (13,33%), thấp hơn so với mức 16,79% cùng kỳ. Ngược lại, vốn ngân sách địa phương giải ngân đạt 81.819 tỷ đồng (17,2%), nhỉnh hơn con số 16,56% năm trước.
Đáng chú ý, giải ngân cho ba chương trình mục tiêu quốc gia đạt 4.707 tỷ đồng, tương đương 21,43% kế hoạch, là một điểm sáng trong toàn cảnh giải ngân đầu tư công.
Một số địa phương giải ngân dưới 10%
Trong số 47 bộ, ngành và 63 địa phương, có 10 bộ/ngành và 35 địa phương đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn mức bình quân cả nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều đơn vị có tỷ lệ giải ngân rất thấp, thậm chí chưa giải ngân. Những địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% gồm: Khánh Hòa, Cao Bằng, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Sóc Trăng, Quảng Trị...
Thực trạng này cho thấy một bộ phận cơ quan, địa phương vẫn chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, dù nguồn lực đầu tư công năm 2025 rất lớn và yêu cầu giải ngân được nâng lên mức 100%.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2025, Bộ Tài chính nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm không xảy ra tình trạng “đứt gãy, gián đoạn” trong triển khai các dự án đầu tư công, nhất là trong bối cảnh sắp xếp đơn vị hành chính và tinh gọn bộ máy đang được đẩy mạnh.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải giữ vững tính liên tục và trách nhiệm trong quản lý, phân công rõ ràng các đầu mối chịu trách nhiệm tiếp quản đầy đủ hồ sơ, kế hoạch, dữ liệu đầu tư công. Việc bàn giao các công đoạn như lập kế hoạch, giải phóng mặt bằng, triển khai dự án, thanh toán… phải được thực hiện minh bạch, tránh để dự án rơi vào “khoảng trống” trách nhiệm.
Bên cạnh đó, cần kiện toàn nhân sự kịp thời: cán bộ cũ phải phối hợp bàn giao đến khi hoàn tất, cán bộ mới phải chủ động nắm bắt tình hình, đôn đốc tiến độ. Các ban quản lý dự án, đơn vị chủ đầu tư cần phối hợp chặt chẽ với sở, ban, ngành địa phương để không bỏ sót việc, tránh đình trệ dự án.
Chủ động điều chỉnh kế hoạch và đẩy nhanh thu ngân sách
Một nội dung quan trọng khác được Bộ Tài chính lưu ý là việc rà soát, điều chỉnh kế hoạch vốn và hồ sơ pháp lý. Khi địa giới hành chính thay đổi, nhiều khả năng sẽ cần thay đổi đơn vị nhận vốn, chủ thể ký hợp đồng hoặc phê duyệt đầu tư. Các địa phương phải khẩn trương hoàn tất các thủ tục chuyển đổi, chẳng hạn như điều chuyển vốn từ huyện cũ lên tỉnh hoặc xuống cấp xã, để không ách tắc dòng vốn.
UBND cấp tỉnh cần xác định tiến độ cụ thể cho từng dự án, thường xuyên kiểm tra thực địa, nắm chắc các vướng mắc phát sinh, đặc biệt ở các khu vực mới sáp nhập. Khi gặp khó khăn vượt thẩm quyền, cần kịp thời báo cáo lên cấp có thẩm quyền để xử lý.
Ngoài ra, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách, nhất là thu sử dụng đất – một nguồn lực quan trọng để phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công đúng tiến độ.
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%. Đây là yêu cầu cao chưa từng có, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị.
Giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là bài toán tài chính, mà còn là thước đo năng lực quản lý, tổ chức thực hiện của từng địa phương, từng bộ, ngành – đồng thời là động lực trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhiều khó khăn hiện nay.