Sáng 16/5/2025, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Nhiều đại biểu đề xuất loạt chính sách mang tính “hộ tống” mạnh mẽ hơn cho khu vực kinh tế tư nhân.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM), dự thảo Nghị quyết thể chế hóa kịp thời tinh thần của Nghị quyết 68-NQ/TW, xác định rõ khu vực kinh tế tư nhân là một trong những động lực phát triển quan trọng nhất của nền kinh tế. Ông dẫn chứng: “Hiện khu vực tư nhân đóng góp 51% GDP, 55% tổng vốn đầu tư xã hội và 33% tổng thu ngân sách nhà nước – xứng đáng là trụ cột vững chắc của nền kinh tế quốc dân.”
Mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 cả nước có 2 triệu doanh nghiệp – đồng nghĩa mỗi năm cần tăng thêm khoảng 200.000 doanh nghiệp, trong khi hiện tại chỉ tăng khoảng 30.000 - 40.000 doanh nghiệp/năm. Để đạt được mục tiêu này, một trong các giải pháp chủ lực là hỗ trợ hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi sang doanh nghiệp.
Từ ngày 1/7/2026, theo dự thảo, hộ kinh doanh sẽ không còn nộp thuế theo phương pháp khoán, mà chuyển sang khai thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế – một bước đi nhằm minh bạch hóa hoạt động sản xuất kinh doanh và khuyến khích chuyển đổi mô hình.
Hiện cả nước có khoảng 3,6 triệu hộ kinh doanh đang nộp thuế, trong đó gần 2 triệu hộ đang áp dụng phương pháp thuế khoán với mức đóng bình quân chỉ khoảng 700.000 đồng/tháng (quý I/2025). Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng việc bỏ thuế khoán sẽ giúp “thu đúng, thu đủ”, đồng thời tạo điều kiện để hộ kinh doanh tiếp cận với hệ sinh thái doanh nghiệp bài bản hơn.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý không thể “ra lệnh” hành chính mà thiếu đi hỗ trợ thiết thực. Đại biểu Mai Thanh Hải (Thanh Hóa) đề nghị phải đi kèm hỗ trợ chi phí mua/thuê phần mềm kế toán, nền tảng số cho hộ kinh doanh – và đặc biệt là đào tạo kỹ năng sử dụng, nếu không sẽ “đẩy họ vào thế khó khi chuyển đổi.”
Đồng thời, ông Hải cũng cho rằng thời gian từ nay đến 1/7/2026 là quá ngắn để chuẩn bị hạ tầng và tâm thế cho hơn 3 triệu hộ kinh doanh. Do đó, đề nghị lùi mốc áp dụng để không tạo cú sốc.
Về phía Bộ Tài chính, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định đã chuẩn bị đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, dữ liệu và chính sách thuế để thực hiện chuyển đổi. Bộ cũng đẩy mạnh triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền và tăng cường thanh tra, kiểm tra dựa trên dữ liệu thay vì trực tiếp.
Một điểm được các đại biểu tranh luận là việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm để giảm phiền hà cho doanh nghiệp. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) đồng tình với nguyên tắc “hậu kiểm là chính”, nhưng cảnh báo: nếu cơ chế hậu kiểm không đủ mạnh, minh bạch và hiệu quả, sẽ tạo lỗ hổng cho các “công ty ma” lách luật, trốn thuế, rửa tiền...
Thực tế, đã có nhiều vụ việc thành lập hàng trăm công ty “ma” để buôn bán hóa đơn, gây thất thu lớn cho ngân sách. Do đó, cần liên thông dữ liệu giữa các cơ quan như thuế, ngân hàng, hải quan, tăng cường giám sát số và có chế tài đủ mạnh.
Về quy định “chỉ được kiểm tra 1 lần/năm” với mỗi doanh nghiệp, Bộ trưởng Thắng khẳng định đây là chủ trương nhằm giảm thanh – kiểm tra trực tiếp, tăng hậu kiểm số hóa chứ không làm suy yếu quản lý nhà nước. Các trường hợp có dấu hiệu vi phạm vẫn có thể bị kiểm tra đột xuất.
Một điểm nóng khác là chính sách về mặt bằng sản xuất, khi dự thảo yêu cầu các khu công nghiệp mới phải dành tối thiểu 20 ha hoặc 5% diện tích cho doanh nghiệp công nghệ cao thuộc khu vực tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp. Đại biểu Mai Thanh Hải cho rằng quy định này có thể gây khó cho nhà đầu tư hạ tầng nếu sau 2 năm không có doanh nghiệp thuê, họ vẫn không được cho thuê lại phần đất này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng thừa nhận có rủi ro, nhưng cho rằng “2 năm là thời gian hợp lý” trong thực tế vận hành, tránh tình trạng chiếm dụng mặt bằng của doanh nghiệp nhỏ bằng những ông lớn.
Về chính sách ưu đãi thuế, Bộ trưởng nhấn mạnh quan điểm “nuôi dưỡng nguồn thu dài hạn”, chấp nhận giảm thu ngắn hạn để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, mở rộng sản xuất và tăng đóng góp bền vững về sau.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, Nghị quyết cần mở rộng hơn về hội nhập quốc tế và tư pháp thương mại, bởi các doanh nghiệp tư nhân hiện rất yếu thế trong tranh chấp quốc tế. Đây là yếu tố sống còn nếu muốn doanh nghiệp vươn ra thị trường toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết Chính phủ đã chỉ đạo rà soát các luật đang trình Quốc hội kỳ này để tích hợp các chính sách từ Nghị quyết 68-NQ/TW. Những gì chưa thể quy định cụ thể thì đưa vào dự thảo Nghị quyết như nguyên tắc định hướng sửa luật chuyên ngành.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thể chế hóa Nghị quyết 68-NQ/TW nếu được ban hành và thực hiện đúng tinh thần cải cách, đột phá – đây sẽ là “kim chỉ nam” để tháo gỡ những điểm nghẽn lớn nhất về thể chế, thủ tục, đất đai, thuế và tiếp cận thị trường cho khu vực kinh tế tư nhân.