Sự kiện

Sửa luật để tăng hiệu lực xử phạt vi phạm hành chính tại cơ sở

Nguyên Bình 16/05/2025 08:43

Sáng 15/5, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

z6606034432207_4d545f91bec1ba929eddef0b1c90351c.jpg
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh tại phiên họp sáng 15/5.

Trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, một trong những sửa đổi quan trọng là dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Theo dự thảo Luật, thay vì quy định cụ thể các chức danh có thẩm quyền cưỡng chế, như hiện đang áp dụng, sẽ chuyển sang quy định theo hướng người đứng đầu hoặc cấp trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính. Cách làm này được đánh giá là phù hợp với thực tiễn vận hành bộ máy nhà nước hiện nay, vốn đang trong quá trình sắp xếp, tinh gọn theo các nghị quyết Trung ương về cải cách tổ chức bộ máy hành chính.

Việc quy định theo “chức vụ gốc” như cấp trưởng, thay vì nêu tên chức danh cụ thể, nhằm tạo sự chủ động và linh hoạt trong phân công cán bộ, nhất là trong các cơ quan thường xuyên thay đổi tổ chức, cơ cấu. Đồng thời, đây cũng là bước đi nhất quán với tinh thần giao quyền gắn với trách nhiệm mà Chính phủ đang đẩy mạnh trong cải cách hành chính.

Cùng với đó, dự thảo luật cũng sửa đổi quy định về thẩm quyền lập hồ sơ, xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, cũng như việc thi hành các biện pháp xử lý hành chính. Việc hoàn thiện các quy định này được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả xử lý vi phạm hành chính trên thực tế, đặc biệt là ở cấp cơ sở - nơi phát sinh đa số các hành vi vi phạm.

Trao thêm thẩm quyền cho cấp xã: Giải pháp trong giai đoạn chuyển tiếp

Một nội dung đặc biệt đáng chú ý trong dự thảo là việc bổ sung quy định trao thẩm quyền xử phạt hành chính cao hơn cho lực lượng cấp xã (mới) trong giai đoạn chuyển tiếp.

Theo Tờ trình của Chính phủ, hiện nay, Chủ tịch UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền xử phạt hành chính với mức tối đa 5 triệu đồng, còn Trưởng Công an cấp xã chỉ được phạt đến 2,5 triệu đồng. Trong khi đó, trên thực tế, lực lượng này lại là những người tiếp xúc trực tiếp và đầu tiên với các vi phạm hành chính tại cơ sở, từ trật tự đô thị, an ninh, vệ sinh môi trường, đến các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, đời sống hàng ngày.

Điểm nghẽn hiện nay là: với thẩm quyền hạn chế như vậy, nhiều hành vi vi phạm dù bị phát hiện cũng không thể xử lý triệt để, hoặc phải báo cáo lên cấp trên, gây chậm trễ, thiếu răn đe. Đặc biệt, khi một số hành vi cần áp dụng biện pháp xử phạt bổ sung hoặc khắc phục hậu quả, thì cấp xã lại không đủ thẩm quyền.

Trước thực tế đó, dự thảo Luật đề xuất một điều khoản chuyển tiếp quan trọng: kể từ khi luật được thông qua, Trưởng Công an cấp xã (mới) sẽ được trao thẩm quyền xử phạt tương đương Trưởng Công an cấp huyện, còn Chủ tịch UBND cấp xã (mới) sẽ có thẩm quyền như Chủ tịch UBND cấp huyện hiện hành.

Đây được xem là giải pháp linh hoạt, kịp thời trong bối cảnh từ ngày 01/7/2025, cả nước sẽ chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Khi đó, cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ của cấp xã và cấp huyện sẽ có nhiều thay đổi, kéo theo nhu cầu phải nâng cao năng lực xử lý vi phạm tại chỗ, tránh để khoảng trống pháp lý trong xử phạt hành chính.

Chính phủ cũng khẳng định rằng, trong giai đoạn chuyển tiếp, việc nâng thẩm quyền như trên là hợp lý vì các nghị định chuyên ngành quy định xử phạt vi phạm hành chính hiện hành chưa thể kịp sửa đổi đồng bộ ngay theo luật mới. Do đó, cần có bước đệm để đảm bảo công tác quản lý nhà nước ở cơ sở không bị gián đoạn.

Đáng chú ý, dự thảo Luật lần này cũng thể hiện quan điểm phân cấp mạnh nhưng kiểm soát rõ. Theo đó, thẩm quyền xử phạt cụ thể của từng chức danh sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ quy định rõ, căn cứ trên các tiêu chí như: chức năng nhiệm vụ của cơ quan, tính chất hành vi vi phạm, năng lực đội ngũ cán bộ và yêu cầu quản lý của từng ngành, lĩnh vực.

Việc trao thẩm quyền cao hơn cho lực lượng ở cấp xã (mới) là giải pháp cần thiết, phù hợp với giai đoạn chuyển tiếp, khi các nghị định quy định xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước chưa kịp sửa đổi, bổ sung theo quy định của dự thảo Luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sửa luật để tăng hiệu lực xử phạt vi phạm hành chính tại cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO