Năm 2024 đánh dấu tròn 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An (tỉnh Ninh Bình) được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Tràng An - viên ngọc sáng ngời của giá trị lịch sử, nhân văn, gần gũi với thiên nhiên và cốt cách hùng thiêng của mảnh đất Cố đô, trái tim của đô thị di sản thiên niên kỷ. Nơi đây ngày càng khẳng định giá trị khi trở thành một điểm đến nổi bật, hấp dẫn thu hút hàng triệu du khách mỗi năm.
Giá trị toàn cầu của di sản Tràng An
Quần thể danh thắng Tràng An nằm ở rìa phía nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng thuộc tỉnh Ninh Bình, có diện tích 6.226 ha và vùng đệm rộng 6.026 ha, trên địa bàn của các huyện: Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan và các thành phố Tam Điệp, Ninh Bình.
Khu vực di sản của Quần thể danh thắng Tràng An hiện có hơn 400 di tích gồm có: đình, chùa, đền, miếu, phủ, bia, lăng mộ, điện, nhà thờ công giáo, nhà thờ họ, nhà cổ,…và đặc biệt là hơn 30 di tích khảo cổ hang động, mái đá. Trong đó có 57 di tích đã được nhận diện và xếp hạng, gồm: 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 21 di tích cấp Quốc gia và 36 di tích cấp tỉnh. Theo thống kê hiện có khoảng hơn 20.000 dân sinh sống trong vùng lõi khu di sản.
Ngày 25/6/2014, tại kỳ họp thứ 38, Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO đã công nhận Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới dựa trên 3 tiêu chí: văn hóa, vẻ đẹp thẩm mỹ và địa chất - địa mạo. Đây là Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên ở Việt Nam và Đông Nam Á, là địa điểm nổi bật không chỉ ở khu vực mà còn trên thế giới.
Tràng An nổi bật bởi vẻ đẹp của cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, tráng lệ, cùng với bản sắc văn hóa truyền thống được gìn giữ và lưu truyền qua hàng ngàn năm lịch sử của cư dân địa phương. Quần thể danh thắng Tràng An là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa lịch sử và cảnh quan cũng như giữa thiên nhiên và con người. Đây là kho tàng chứa đựng các đặc điểm vàng son của lịch sử và truyền thống dân tộc được cha ông ta từ ngàn đời truyền lại, nơi che chở kinh đô đầu tiên của nước Đại Cồ Việt ở thế kỷ thứ X và là Hành cung của nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông vào thế kỷ XIII. Những mốc son lịch sử, những công trình kiến trúc, các di tích cổ kính, trầm mặc hòa quyện với cảnh sắc núi sông hùng vĩ, của biển rộng, rừng rậm, núi cao, các hang động huyền bí, linh thiêng tạo bức tranh trác tuyệt, làm say đắm lòng người.
Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An đã góp phần quan trọng đưa hình ảnh của tỉnh Ninh Bình đến với bạn bè trong nước và quốc tế, tạo động lực mạnh mẽ để Ninh Bình phát triển du lịch. Nhiều chuyên trang du lịch quốc tế uy tín bình chọn, nhắc đến Ninh Bình như là vùng đất thân thiện, điểm du lịch tuyệt vời nhất, điểm du lịch đáng đến nhất thế giới.
Thời điểm lập hồ sơ đề cử năm 2012, Quần thể danh thắng Tràng An chỉ có trên 1 triệu lượt khách, đến năm 2019 (sau 5 năm được UNESCO công nhận) đã thu hút hơn 6,3 triệu lượt khách. Đến năm 2023, toàn tỉnh đón 6,6 triệu lượt khách, riêng quần thể danh thắng Tràng An đón khoảng 4,6 triệu lượt, doanh thu gần 6.500 tỷ đồng. Đặc biệt trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc Khánh 2/9 (từ 31/8 - 3/9) vừa qua, Ninh Bình ước đón 374.000 lượt khách. Trong đó, danh thắng Tràng An chiếm đa số lượng khách, đem lại doanh thu từ du lịch ước đạt gần 650 tỷ đồng.
Nâng cao chất lượng du lịch, biến di sản thành tài sản
Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình cho biết, Tràng An đang mang sứ mệnh mới, trở thành trung tâm của Đô thị di sản thiên niên kỷ, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh.
Ninh Bình đã lựa chọn hướng đi lên với Đô thị di sản thiên niên kỷ bao chứa cả thành phố di sản thế giới và thành phố sáng tạo, tựa vào Quần thể danh thắng Tràng An về kinh tế và du lịch di sản. Sau 10 năm được công nhận là Di sản thế giới, đây đồng thời cũng là thời điểm phù hợp để nhìn lại, tìm kiếm các giải pháp mới để xây dựng, phát triển các sản phẩm du lịch có chất lượng và khác biệt hơn, biến di sản thành tài sản. Không chỉ đơn thuần là để du khách đến đây tham quan mà cần phải diễn giải các giá trị di sản một cách chân thực, sống động và khoa học hơn trong các sản phẩm du lịch, xứng đáng là "mô hình mẫu mực, tiêu biểu trên thế giới về sự kết hợp thành công giữa phát triển kinh tế và du lịch bền vững”.
PGS.TS Nguyễn Hồng Thục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh tầm quan trọng giữa du khách và dân bản địa trong phát triển du lịch thành công tại các di sản văn hóa: "Tương lai của Đô thị di sản với tầm nhìn thiên niên kỷ tới hoàn toàn phụ thuộc vào cách chúng ta đồng hành với Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới với sự định cư liên tục để có được nền văn hóa Tràng An có cội nguồn sâu sắc, ghi dấu ấn vào chủ quyền và độc lập hơn 1000 năm trước của cha ông".
Ninh Bình tập trung khai thác trên khía cạnh du lịch và phát triển đời sống của cư dân Tràng An, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản để phát triển du lịch nhưng vẫn giữ được tính xác thực, tính toàn vẹn của di sản thế giới là rất quan trọng. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng số, hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng, kết nối nội bộ giữa các khu, điểm du lịch với nhau và với các trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ của tỉnh. Ứng dụng các thành tựu kỹ thuật hiện đại kết hợp với truyền thống tạo ra những sản phẩm du lịch mới độc đáo, hấp dẫn mang tính giáo dục cao.
Chủ động và tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác ngoại giao kinh tế, văn hóa, thúc đẩy hợp tác quốc tế trong công tác phục dựng, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa-lịch sử hướng tới xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ; quảng bá mạnh mẽ giá trị, hình ảnh văn hóa-con người-thiên nhiên Ninh Bình đến với bạn bè trong nước, quốc tế và kiều bào ta ở nước ngoài.
Mở nhiều lớp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của di sản, về bảo vệ môi trường, cảnh quan, ứng xử văn hóa, văn minh, gắn với phát triển du lịch cho cộng đồng. Cộng đồng ngày càng nhận thức rõ hơn bảo tồn di sản chính là hình thành mối quan hệ cộng sinh thúc đẩy phát triển du lịch bền vững và trách nhiệm.