Tính đến ngày 8/5/2025, Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã thực hiện 8 đợt chào mua ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại với tổng khối lượng gần 1,5 tỷ USD.
Kho bạc Nhà nước mới đây thông báo tiếp tục tổ chức đợt chào mua ngoại tệ thứ 8 kể từ đầu năm 2025. Theo thông báo, khối lượng dự kiến mua tối đa là 150 triệu USD, thực hiện theo hình thức giao dịch giao ngay. Ngày giao dịch được ấn định là 8/5/2025 và ngày thanh toán dự kiến là 12/5/2025.
Trước đó, KBNN đã thực hiện 7 đợt chào mua USD với quy mô dao động từ 110 đến 300 triệu USD mỗi đợt. Các ngày giao dịch diễn ra liên tục từ tháng 2 đến tháng 4. Tổng cộng, tính đến nay, KBNN đã chào mua gần 1,5 tỷ USD từ hệ thống ngân hàng thương mại.
Việc KBNN mua ngoại tệ là một hoạt động bình thường nhằm phục vụ nghĩa vụ thanh toán nợ nước ngoài và các cam kết quốc tế. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là các đợt chào mua này lại liên tục diễn ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND đang neo ở mức cao. Điều này khiến nhiều ý kiến cho rằng hoạt động mua USD của KBNN đang vô hình trung góp phần làm căng thẳng thêm nguồn cung ngoại tệ trên thị trường.
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá trung tâm ngày 8/5 được công bố ở mức 24.927 VND/USD, tăng 585 đồng so với đầu năm. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá thực tế thậm chí còn cao hơn, cho thấy áp lực mất giá của đồng Việt Nam chưa hạ nhiệt, dù chỉ số DXY – đo sức mạnh của đồng USD so với rổ các đồng tiền chủ chốt – đã giảm gần 10% từ đỉnh đầu năm.
Chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán MBS nhận định: Việc KBNN liên tục mua vào USD đã góp phần làm giảm lượng cung ngoại tệ trên thị trường. Trong khi đó, nhu cầu ngoại tệ lại đang tăng lên từ phía doanh nghiệp do lo ngại về các bất ổn thương mại toàn cầu, đặc biệt là rủi ro đến từ các chính sách thuế quan khó lường của Mỹ. Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang có xu hướng gia tăng dự trữ USD để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.
Dự báo cho cả năm 2025, các chuyên gia của MBS cho rằng tỷ giá USD/VND có thể dao động trong khoảng 25.500 – 26.000 đồng/USD. Nguyên nhân là đồng USD có thể phục hồi mạnh mẽ trở lại do chính sách tài khóa mở rộng, lãi suất duy trì ở mức cao và xu hướng bảo hộ thương mại từ phía Mỹ.
Trong bối cảnh đó, việc KBNN tăng cường mua ngoại tệ tuy giúp Nhà nước bảo đảm nghĩa vụ thanh toán quốc tế, nhưng cũng đòi hỏi sự phối hợp điều hành linh hoạt giữa chính sách tài khóa và tiền tệ. Nếu không được cân đối hợp lý, hoạt động này có thể làm gia tăng áp lực tỷ giá, ảnh hưởng đến tâm lý thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến cho rằng, thay vì chỉ dựa vào nguồn ngoại tệ từ thị trường trong nước, KBNN có thể xem xét huy động từ nguồn kiều hối, thu hút FDI, hoặc sử dụng cơ chế thanh toán bù trừ để giảm áp lực tức thời lên thị trường. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cần có biện pháp tăng thanh khoản ngoại tệ, điều hành linh hoạt lãi suất và phát triển các công cụ phòng vệ tỷ giá để hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn biến động.