Kinh tế

Kinh tế 2024 về đích với nhiều con số ấn tượng

Đông Nghi 01/01/2025 08:59

Chuyến tàu kinh tế 2024 đã "vượt ngàn chông gai" về đích với nhiều con số ấn tượng về tăng trưởng, xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài,... Đây là nền tảng cho Việt Nam hướng tới giai đoạn mới, với dấu ấn bứt phá liên tục, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhằm phát triển nhanh, bền vững.

san_xuat_cong_nghiep.gif
Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đã có một năm tăng trưởng ấn tượng. Ảnh minh họa

Quy mô nền kinh tế tiếp tục nâng lên

Nhìn lại năm 2024, kinh tế nước ta đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ cả bên trong và bên ngoài, làm gia tăng áp lực cho công tác điều hành vĩ mô. Khó khăn, thách thức đầu tiên có thể kể đến là phải xử lý những vướng mắc, bất cập trong nội tại nền kinh tế đã tồn đọng, tích tụ nhiều năm qua, đồng thời phải ứng phó với các vấn đề bất ngờ phát sinh, đặc biệt là hậu quả của bão số 3 (bão Yagi).

Tiếp đó là những “điểm nghẽn” về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Là tình trạng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, sự cạnh tranh giữa các siêu cường; số doanh nghiệp phá sản, phải dừng hoạt động tăng cao, gia tăng nợ xấu trong hệ thống ngân hàng...

Dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong báo cáo tổng kết năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định nền kinh tế nước ta đã có một năm tăng trưởng ấn tượng, không chỉ phản ánh sự ổn định của nền kinh tế mà còn cho thấy khả năng chống chọi của Việt Nam trước những biến động toàn cầu..

Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên, không ngừng phát huy những thành tựu đạt được sau 40 năm Đổi mới, nhất là từ đầu nhiệm kỳ đến nay, giúp nước ta tích lũy thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo. Kết thúc năm 2024, có khả năng hoàn thành 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, tốc độ tăng trưởng khoảng 7%, vượt mục tiêu đề ra (6-6,5%). Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023.

Tăng trưởng của Việt Nam tiếp tục được các tổ chức quốc tế đánh giá khá tích cực so với các quốc gia trong khu vực. Trong đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tiếp tục duy trì quan điểm tích cực về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2025 và nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2025 lên 6,6%, từ mức 6,2% được dự báo hồi tháng 9/2024.

Hút FDI, hấp dẫn "đại bàng" về làm tổ

lo-thu-hut-fdi-sut-giam-9739.jpg
Năm 2024, Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Ảnh minh họa

Giữa lúc dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu đang suy giảm trước những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam vẫn duy trì được “sức nóng”.

Theo Tổng cục Thống kê, tính từ đầu năm đến tháng 11/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt gần 31,88 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đầu tư giải ngân ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo dự báo của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam tiếp tục là nền kinh tế hấp dẫn với nhà đầu tư quốc tế (nhờ độ mở nền kinh tế lớn với nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương) và là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Năm 2024, Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực từ dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao. Đầu tháng 12/2024, Nvidia chọn Việt Nam xây dựng trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Đài Loan. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam, đưa nước ta trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở Châu Á.

Trước đó, vào tháng 11/2024, Foxconn công bố khoản đầu tư 80 triệu USD vào hoạt động sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang, SpaceX của tỷ phú Elon Musk cũng dự định đầu tư 1,5 tỷ USD vào Việt Nam, trong khi Tập đoàn Trump Organization sẽ đầu tư khoản tiền tương tự vào Hưng Yên. Amkor, một tập đoàn công nghệ có trụ sở tại Hoa Kỳ, công bố kế hoạch xây dựng nhà máy rộng 200.000m2 tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lên tới 1,6 tỷ USD vào tháng 6/2024.

Xuất nhập khẩu là điểm sáng

Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt với những thách thức từ tăng trưởng yếu, rủi ro lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu dùng tại nhiều thị trường lớn sụt giảm, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt được con số kỷ lục 783 tỷ USD (vượt hơn 100 tỷ USD so với mức 681 tỷ USD của năm 2023).

2162512_c4bb29d1d5c21d22ed67b427a5ec1981.jpg
Năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn đạt được con số kỷ lục 783 tỷ USD. Ảnh minh họa

Trong đó, xuất khẩu đạt 403 tỷ USD, tăng 13,6% so với năm 2023. Xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỷ USD. Đáng chú ý, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Đóng góp vào thành tích chung của xuất khẩu năm 2024, ngành nông nghiệp ghi dấu ấn đậm nét, khi lần đầu tiên xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản đạt 62,4 tỷ USD, tăng 18,5% so với năm 2023. Kết quả này là quá trình nỗ lực chuyển đổi tư duy, chuyển đổi cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chuyển đổi xanh; đồng thời là kết quả của quá trình đàm phán, mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản chủ lực..

Cả nước có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 33 mặt hàng), trong đó có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỉ USD. Có 44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỉ USD, chiếm tỉ trọng 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỉ USD, chiếm 51,4%).

Việt Nam được dự báo tăng trưởng mạnh trong năm 2025

Sau kết quả ấn tượng năm 2024, các chuyên gia quốc tế và lãnh đạo Việt Nam đều lạc quan về khả năng duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm tới.

Theo đó, năm 2025, triển vọng kinh tế Việt Nam được dự báo rất tích cực, mức tăng trưởng khoảng 6,5 - 7% GDP. FDI vào Việt Nam sẽ vẫn tăng mạnh nhờ vào vị trí chiến lược của Việt Nam, lực lượng lao động trẻ và môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện. Hoạt động thương mại xuất, nhập khẩu tiếp tục cải thiện, đặc biệt trong các ngành hàng điện tử, dệt may và nông sản. Phát triển kinh tế số được mở rộng với sự gia tăng ứng dụng các công nghệ số và thương mại điện tử.

Dự báo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt quy mô 506 tỷ USD vào năm 2025, vươn lên đứng thứ 33 thế giới. HSBC cũng đánh giá cao triển vọng của Việt Nam, dự báo GDP năm 2025 sẽ tăng trưởng 6,5%, tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hàng đầu khu vực.

Hiện Quốc hội đã giao mục tiêu tăng trưởng cho Chính phủ năm 2025 khoảng 6,5-7%, phấn đấu đạt mức 7-7,5%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế 2024 về đích với nhiều con số ấn tượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO