Nhân vật

Lan toả “hào khí doanh nhân Việt Nam” trong thời kỳ mới

Hương Lan 27/09/2024 12:26

Trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, các doanh nhân đóng vai trò trụ cột, là lực lượng tiên phong thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững của đất nước.

Bên cạnh việc phát triển sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người lao động, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam luôn luôn phát huy tinh thần yêu nước, thương dân, phát huy truyền thống lịch sử văn hóa hào hùng của dân tộc, là di sản văn hóa, là điểm tựa của đất nước, đó là “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, "tương thân, tương ái".

thao-1726893402353783246648.jpg
Thủ tướng trao đổi với các doanh nghiệp lớn sáng 21.9 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Trước sự tàn phá khốc liệt của bão lũ, thiên tai đối với đồng bào miền Bắc trong những ngày qua, hàng nghìn tỷ đồng và các loại hàng hóa lương thực thiết yếu đã được đồng bào cả nước, các doanh nhân, doanh nghiệp huy động đến cứu trợ đồng bào vùng thiên tai bão lũ sớm tái thiết lại cuộc sống bình thường ngay sau khi bão lũ vừa rút đi. Bên cạnh “tình dân tộc, nghĩa đồng bào”, "tương thân, tương ái", cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân Việt Nam luôn đóng góp ý kiến, đề xuất sáng kiến để chung tay phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Vua hàng hiệu' Johnathan Hạnh Nguyễn dốc tiền hưu tặng đồng bào lũ lụt

ong-johnathan-hanh-nguyen-vet-het-tien-huu-tu-quy-gia-dinh-gui-dong-bao-lu-lut-trong-chuong-trinh-nghia-tinh-phuong-nam..jpg
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn vét hết tiền hưu từ quỹ gia đình gửi đồng bào lũ lụt trong chương trình Nghĩa tình phương Nam.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn là người có công trong việc khai thông đường bay thẳng đầu tiên của Việt Nam ra thế giới và là nhà sáng lập IPPG - tập đoàn đa ngành về thời trang, ẩm thực, đầu tư - quản lý sân bay và trung tâm thương mại.

Không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế, ông còn là một tấm gương cho sự đoàn kết, đổi mới và cống hiến cho xã hội. Hiện nay, tập đoàn của ông gồm 17 công ty thành viên và liên doanh liên kết với 18 công ty khác nhau đã tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Doanh nhân Johnathan Hạnh nguyễn còn được biết đến là một doanh nhân giàu lòng nhân ái, đóng góp tích cực cho công tác từ thiện, xã hội.

Trong suốt quá trình hoạt động, ông cùng với IPPG đã xây tặng hàng chục nhà tình nghĩa, lớp học, nhà ở cho giáo viên vùng sâu, vùng xa; đóng góp các quỹ đền ơn đáp nghĩa, các chương trình xã hội tại nhiều địa phương với số tiên lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Mới đây nhất, trong đêm nhạc "Nghĩa tình phương Nam" do Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP. HCM (VTV9) tổ chức để sẻ chia những khó khăn do cơn bão Yagi vừa gây ra, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) mang tới 1 tỷ đồng tiền mặt, cùng một bức tranh đặc biệt của cá nhân.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Johnanthan đóng góp ủng hộ đồng bào trong đợt lũ này. Trước đó ít ngày, ông đã một mình đến VTV9 để gửi tới Quỹ Tấm lòng Việt 1 tỷ đồng ngay sau khi nghe thông tin về bão lũ. Cùng với ông Johnathan, các thành viên trong gia đình IPPG đã đóng góp trong đợt bão lũ này tổng cộng 6 tỷ.

Chủ tịch Vingroup đề xuất giải pháp để phát triển mảng giáo dục, nhà ở xã hội, công nghiệp hỗ trợ

lanh-dao-vin-group-phat-bieu-tai-hoi-nghi-anh-vgpnhat-bac.jpg
Lãnh đạo Vin Group phát biểu tại hội nghị - Ảnh VGPNhật Bắc.

Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup đã đề xuất Chính phủ đẩy mạnh đào tạo và phổ cập tiếng Anh không chỉ ở các trường công lập mà còn đào tạo cho toàn dân, để hướng tới một xã hội công dân toàn cầu.

Tập đoàn Vingroup và các doanh nghiệp sẽ sẵn sàng tham gia tài trợ cho giáo viên tăng cường lên vùng sâu vùng xa. Nếu chúng ta đẩy mạnh đào tạo tiếng Anh từ vùng sâu vùng xa đến các thành thị thì giống như chúng ta tạo ‘cần câu cơm’ tốt hơn cho trẻ ở những vùng khó khăn, góp phần phát triển các vùng này trong tương lai.

Đồng thời, lãnh đạo Vingroup đề nghị Chính phủ đẩy mạnh hoặc mở rộng hạn ngạch về đầu tư đào tạo sinh viên của khối công nghệ, khoa học máy tính, AI, dữ liệu lớn… bởi ngành này sẽ có tương lai hơn rất nhiều so với các ngành khác. Theo thời gian, Việt Nam có thể tạo ra một lượng lớn lao động trong ngành này.

Về vấn đề an sinh, trọng tâm là nhà ở xã hội, Chủ tịch Vingroup đề xuất Chính phủ có cơ chế chỉ định nhà đầu tư để rút ngắn thời gian hoàn thành các thủ tục, vì hạn chế lớn nhất hiện nay đối với nhà ở xã hội là liên quan nội dung về 10% lợi nhuận. Cụ thể, nếu các doanh nghiệp bất động sản triển khai hoạt động này với lợi nhuận 10% thì không thể làm được, vì chỉ tồn đọng vốn 1-2 năm hoặc bán chậm 1-2 năm là sẽ lỗ, trong khi nhà ở xã hội mang tính đóng góp, không phải là kinh doanh.

Bên cạnh đó, Vingroup cũng đề nghị Chính phủ cho phép công tác chuẩn bị đồng thời các loại quy hoạch, quy hoạch chung và phân khu, quy hoạch chi tiết và liên khu đoàn. Việc này có thể giúp rút ngắn được từ 6-9 tháng cho công tác quy hoạch. Đồng thời, ông Vượng kiến nghị Chính phủ cho tăng tiêu chuẩn của nhà ở xã hội, tức là phải có hầm để xe, phải có khu vui chơi cho trẻ cũng như các tiện ích khác… Ngoài ra, theo ông trong nhóm nhà ở xã hội, cũng cần dành riêng khu cho cán bộ công nhân viên chức, lực lượng vũ trang, quân đội…

Liên quan đến lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, Chủ tịch Vingroup đề nghị Chính phủ có các cơ chế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ.

Đầu tư vào sức khoẻ, cải thiện nòi giống dân tộc

doanh-nhan-thai-huong-can-co-chinh-sach-khuyen-khich-dai-cong-nghiep-trong-nong-nghiep-cong-nghe-cao1726928543-5620.jpg
Anh hùng Lao động Thái Hương "hiến kế" tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp lớn ngày 21/9.

Trong khuôn khổ Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, bà Thái Hương, Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH đã bày tỏ mong muốn rằng, Chính phủ sẽ có cơ chế, chính sách khuyến khích đại công nghiệp, áp dụng khoa học - công nghệ hiện đại, kết hợp với khoa học quản trị tiên tiến, từ đó tạo ra được sản phẩm chất lượng quốc tế, năng suất cao… đưa người nông dân trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị sản xuất - hàng hóa theo chuẩn quốc tế, đưa họ trở thành các công nhân nông nghiệp công nghệ cao, giúp xóa đói giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương, tiến tới làm giàu…

Bên cạnh việc phát triển nông nghiệp công nghệ, bà Thái Hương cho rằng đầu tư vào sức khỏe là góp phần cải thiện nòi giống của một dân tộc, là đầu tư vào sự phát triển mang tính chiến lược của quốc gia.

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho người dân, hoàn thành trước thời hạn các mục tiêu dinh dưỡng quốc gia, song vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt ở lứa tuổi tiền học đường và học đường.

TH chính là đơn vị khởi xướng và đồng hành cùng các cơ quan ban ngành từ những ngày đầu xây dựng, triển khai các chương trình dinh dưỡng quốc gia. Bà cho rằng phải tận dụng cơ hội ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực chăn nuôi, nhất là chăn nuôi bò sữa.

Đồng thời, bà cũng kiến nghị Chính phủ cần quan tâm chương trình sữa học đường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để trẻ em được uống sữa bảo đảm chất lượng; tập trung đất đai, thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư nông nghiệp, đưa nông dân trở thành công nhân nông nghiệp – là một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị khép kín, sản xuất, chế biến và xây dựng thương hiệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan toả “hào khí doanh nhân Việt Nam” trong thời kỳ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO