Đồ thị thông tin dưới đây thể hiện lợi nhuận của các loại tài sản chính năm 2023, dựa trên dữ liệu từ S&P Global và Investing.com...
Theo đó, chứng khoán Nhật Bản, đại diện là chỉ số Nikkei 225, là một trong những tài sản tăng giá mạnh nhất, tới 30% trong năm ngoái. Vào tháng 5/2013, chỉ số này lập kỷ lục 30 năm nhờ kết quả tài chính khởi sắc của các doanh nghiệp niêm yết, xu hướng giảm của đồng Yên giúp thu hút nhà đầu tư nước ngoài, và làn sóng mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp.
Nhật Bản cũng được hưởng lợi những những khó khăn của Trung Quốc khi cuộc khủng hoảng bất động sản gây hiệu ứng lan truyền ra toàn bộ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Giới đầu tư đang tìm kiếm các lựa chọn ngoài Trung Quốc và chứng khoán Nhật là một trong số đó.
Tuy nhiên, đà tăng của chỉ số Nikkei 225 đang đối mặt một số rào cản, như đồng Yên bắt đầu tăng giá từ tháng 11, nhu cầu tiêu dùng suy yếu và khả năng các nền kinh tế lớn trên thế giới hạ lãi suất có thể sẽ hút dòng tiền sang các thị trường khác.
Trong khi đó, chứng khoán, bất động sản và trái phiếu Mỹ đều mang lại lợi nhuận tốt, dao động từ 5,8% đến 24,2%. Còn chứng khoán Canada, chứng khoán châu Âu và chứng khoán thị trường mới nổi cũng có kết quả tích cực với mức lợi nhuận của các chỉ số S&P/TSX Composite, STOXX 50 và MSCI EEM lần lượt là 8,1%, 17,3% và 7,1%.
Vàng – vốn được xem là kênh đầu tư được ưa chuộng giữa lúc lạm phát cao – tiếp tục là loại tài sản mang lại lợi nhuận lớn. Mối lo căng thẳng địa chính trị leo thang cũng giúp giá vàng tăng cao trong năm 2023.
Ngược lại, dầu mỏ, hàng hóa và chứng khoán Trung Quốc mang lại lợi nhuận âm trong năm qua, chủ yếu do nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc tăng trưởng. Tuy nhiên, các cuộc tấn công của phiến quân Houthi ở Yemen vào các tàu đi qua Biển Đỏ và các vấn đề địa chính trị khác được dự báo sẽ đẩy giá dầu tăng lên trong năm 2024.