Năm 2024 đã là bước đệm quan trọng giúp ngành thủy sản Việt Nam duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2025. Thị trường ASEAN ghi nhận sự tăng trưởng ổn định với mức tăng 10,5%, cho thấy tiềm năng từ các quốc gia khu vực Đông Nam Á vẫn là một điểm sáng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Năm 2024 ngành thủy sản tăng trưởng mạnh mẽ
Năm 2024, ngành thủy sản Việt Nam đã đạt được một cột mốc ấn tượng khi kim ngạch xuất khẩu vượt qua con số 10 tỷ USD.
Đặc biệt, vào những tháng cuối năm 2024, khi thị trường xuất khẩu có những tín hiệu thuận lợi, sự điều hành của các cấp lãnh đạo đã tạo điều kiện cho ngành thủy sản phát huy tối đa tiềm năng.
Theo báo cáo của Cục Thủy sản, tính đến hết tháng 12/2024, tổng sản lượng thủy sản đạt 9,609 triệu tấn, đạt 104,2% kế hoạch, tăng 2,0% so với năm 2023 (9,379 triệu tấn). Trong đó, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2024 ước đạt 1,3 triệu ha nuôi nội địa và 9,7 triệu m³ lồng nuôi biển (cơ bản bằng so với năm 2023), tổng sản lượng ước đạt 5,753 triệu tấn, tăng 3,7% so với năm 2023...Kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt khoảng 10,07 tỷ USD, đạt 106% so với kế hoạch (9,5 tỷ USD); tăng 12,1% so với năm 2023 (8,98 tỷ USD).
Để có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2024, là do ngành thủy sản tiếp tục thực hiện cụ thể hơn, mạnh mẽ hơn trong “Chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế thủy sản, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị”. Qua đó, ngành đã tập trung tổ chức lại sản xuất, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu hàng hóa, sản xuất những sản phẩm mang đặc thù, kết hợp với nhiều lĩnh vực, ngành nghề tạo thành liên kết chuỗi sản phẩm thủy sản để nâng tầm sản phẩm.
Tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ trong năm 2025
Theo số liệu từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam tháng 1/2025 đạt 774,3 triệu USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2024. Đây là một kết quả khả quan so với cùng kỳ năm 2024, khi Tết Nguyên đán rơi vào cuối tháng 1, đã tác động đáng kể đến kết quả xuất khẩu.
Tôm tiếp tục là mặt hàng có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong tháng 1/2025, với giá trị xuất khẩu đạt 300 triệu USD, chiếm 39% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Cá tra Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn trong tháng đầu năm 2025, dù giá đã có sự tăng trưởng mạnh do nguồn cung hạn chế. Xuất khẩu cá tra Việt Nam trong tháng 1/2025 chỉ đạt 123 triệu USD, giảm 25,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, mới đây, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được giải pháp song phương để chấm dứt các vấn đề tranh chấp trong vụ việc áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm cá tra, basa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ tại Tổ chức Thương mại Thế giới.
Điều này mở ra cơ hội thúc đẩy xuất khẩu cá tra, basa vào thị trường Hoa Kỳ, đồng thời củng cố vị thế của Việt Nam trong ngành thủy sản toàn cầu.
Đối với cá ngừ, ngành cá ngừ Việt Nam đối mặt với sự giảm sút trong xuất khẩu trong tháng 1/2025, với mức giảm 17,7%, chỉ đạt hơn 65 triệu USD. Tuy nhiên, với sự tăng trưởng ổn định của nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm cá ngừ tại các thị trường như Mỹ và EU, ngành cá ngừ dự kiến sẽ có cơ hội phục hồi trong năm 2025.
Vasep dự báo, trong năm 2025, thị trường thủy sản toàn cầu dự báo sẽ có nhiều biến động, với các yếu tố như thay đổi thói quen tiêu dùng, chính sách thuế quan và biến động cung cầu ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Đặc biệt, sự giảm sút trong nhu cầu tại các thị trường lớn như Trung Quốc và Mỹ sẽ đặt ra thách thức lớn đối với các sản phẩm như tôm, cá tra và cá ngừ. Song, với việc gia tăng nhu cầu từ các thị trường ASEAN và các chính sách thuế quan hỗ trợ từ các quốc gia lớn, ngành thủy sản Việt Nam vẫn có thể duy trì đà tăng trưởng trong năm 2025.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng dự báo, nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu thủy sản năm 2025 dự báo tăng trưởng tích cực khi các nền kinh tế lớn phục hồi và các thị trường mới nổi có khả năng tăng trưởng như Trung Đông, Châu Phi, Đông Nam Á.
Tại thị trường Mỹ, các chính sách dưới thời tổng thống Donald Trump có thể tạo cơ hội cho xuất khẩu tôm và cá tra Việt Nam khi Mỹ có thể giảm nhập khẩu từ Trung Quốc và tăng cường nguồn cung thay thế khác.
Thị trường ASEAN ghi nhận sự tăng trưởng ổn định với mức tăng 10,5%, cho thấy tiềm năng từ các quốc gia khu vực Đông Nam Á vẫn là một điểm sáng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam.
Năm 2025 là năm cuối tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển ngành thủy sản 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời chuẩn bị cho Kế hoạch phát triển ngành 2026 - 2030. Do đó, ngành Thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương Chiến lược phát triển thủy sản đề ra là giảm khai thác và tăng nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, phát triển kinh tế thủy sản theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản. Tiếp tục thực hiện mục tiêu “Chuyển đổi từ tư duy sản xuất thủy sản sang tư duy kinh tế thủy sản” và “chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị”.
Với mục tiêu đặt ra với tổng diện tích nuôi trồng đạt hơn 1,3 triệu ha, tăng 2% so với năm 2024, trong đó diện tích nuôi nước ngọt 390 nghìn ha; diện tích nuôi mặn, lợ 937 nghìn ha. Tổng sản lượng khoảng 9,6 triệu tấn, tương đương năm 2024, trong đó sản lượng khai thác gần 3,66 triệu tấn, giảm 5,2% so với năm 2024; sản lượng nuôi trồng hơn 5,95 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 10,5 tỷ USD.
Năm 2025 hứa hẹn là một năm đầy triển vọng đối với ngành xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tạo ra cơ hội lớn cho nền kinh tế quốc gia vươn xa trên thị trường quốc tế.