Sáng 19/11, tại buổi họp báo về Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) - Hội nghị năm 2024, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn hoàn thành kế hoạch đặt ra, tạo đà để năm 2025 đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD...
Thông tin tại buổi họp báo ông Vũ Đức Giang cho biết, mặc dù trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, xung đột leo thang ở nhiều khu vực; giá xăng dầu, cước vận tải biến động mạnh, kinh tế thương mại phục hồi chậm, tổng đầu tư toàn cầu sụt giảm, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng diễn biến phức tạp, nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá.
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD như dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 25 tỷ USD, tăng 14,79%; xuất siêu 19 tỷ USD, tăng 6,93% so với năm 2023.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 16,71 tỷ USD, tăng 12,33% so với năm 2023 và chiếm tỷ trọng 37,98% tổng kim ngạch xuất khẩu; thị trường Nhật Bản ước đạt 4,57 tỷ USD, tăng 6,18%, chiếm tỷ trọng 10,39%; EU ước đạt 4,3 tỷ USD tăng 7,66%, chiếm tỷ trọng 9,77%; Hàn Quốc ước đạt 3,93 tỷ USD, tăng 10,36%, chiếm tỷ trọng 8,93%; Trung Quốc ước đạt 3,65 tỷ USD, tăng 1,76%, chiếm tỷ trọng 8,3%; ASEAN ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng 4,84%, chiếm tỷ trọng 6,59%.
Theo ông Vũ Đức Giang, nguyên nhân chủ yếu khiến xuất khẩu dệt may thu về kết quả khá khả quan trong năm xuất phát từ việc tận dụng tốt chuyển dịch đơn hàng xuất khẩu từ một số quốc gia, như: Trung Quốc, Bangladesh.
Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cũng thích ứng khá tốt với những yêu cầu từ thị trường nhập khẩu. 10 tháng qua, trong 30 doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu trong ngành dệt may, có 10 doanh nghiệp Việt và 20 doanh nghiệp FDI đều đã thích ứng khá tốt với yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã tăng cường áp dụng các giải pháp về công nghệ, máy móc thiết bị nhằm nâng cao năng suất lao động. Áp dụng các giải pháp công nghệ hiện đại là yếu tố tác động rất mạnh đến tăng năng suất lao động, từ đó tạo tăng trưởng cho doanh nghiệp. Hiện nay, các nhãn hàng cũng tham gia vào thúc đẩy các giải pháp công nghệ cùng doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động.
Nhận định, năm 2025, mặc dù còn những thách thức nhưng vẫn có nhiều yếu tố tích cực cho ngành dệt may Việt Nam, toàn ngành dệt may sẽ phấn đấu đạt mục tiêu xuất khẩu khoảng 47 - 48 tỷ USD- Chủ tịch Vitas cho hay.