Doanh nghiệp dệt may đối diện nhiều thách thức trong dài hạn

Đông Nghi 23/04/2024 07:56

Năm 2024 vẫn chưa phải là năm đã khởi sắc đối với ngành dệt may, vẫn còn dư âm của năm 2023. Doanh nghiệp dệt may còn đối diện với rất nhiều khó khăn bởi những tác động từ tình hình quốc tế và yêu cầu của các thị trường có rất nhiều thay đổi.

det-may

Doanh nghiệp dệt may đối diện nhiều thách thức trong dài hạn. Ảnh minh họa

Theo số liệu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2023 là một năm cực kỳ khó khăn với ngành dệt may và có thể nói là khó khăn nhất trong mấy chục năm qua. Kim ngạch xuất khẩu giảm 10,9%, chỉ đạt khoảng 39,5 tỷ USD. Trong khi đó, năm 2022 kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt tới 44,4 tỷ USD.

Trong đó, khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp ngành dệt may hiện nay là giá giảm 20 - 30%, thậm chí có những đơn hàng giảm giá tới 50 - 60%, điều không ai tưởng tượng được. Tuy nhiên, từ đầu quý I năm nay, tình hình có khởi sắc hơn. Đơn hàng khá dồi dào nhưng giá chưa được như mong muốn. Giá vẫn còn thấp hơn so với bình thường, mặc dù đã bắt đầu có xu hướng tăng lên.

Chia sẻ về vấn đề này tại toạ đàm kinh tế Việt Nam và thế giới với chủ đề "Nhận diện kinh tế quý I/2024: Mở lối cho kinh tế cả năm” ngày 22/4, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS cho biết, từ đầu năm tới nay doanh nghiệp dệt may đã có nhiều đơn hàng nhưng giá thấp. Doanh nghiệp đã ký hợp đồng đến đầu quý III, thậm chí có doanh nghiệp đến hết quý III. Ngành dệt may đang chuyển từ trạng thái đơn nào cũng nhận, đơn gì cũng làm thì giờ doanh nghiệp đã có sự lựa chọn đơn hàng phù hợp và số lượng đơn hàng vừa đủ. 

Tuy nhiên, về dài hạn, ông Cẩm cho rằng, doanh nghiệp cần hết sức thận trọng. VITAS khuyến cáo doanh nghiệp nên liên kết với nhau để có thể chia sẻ thông tin bởi khách hàng bao giờ cũng muốn ký được đơn hàng với giá rẻ nhất. Không "chốt" được với DN này, khách hàng sẽ tìm đến doanh nghiệp khác.

"Năm 2024 vẫn chưa phải là năm đã khởi sắc, vẫn còn dư âm của năm 2023. Doanh nghiệp còn đối diện với rất nhiều khó khăn bởi những tác động từ tình hình quốc tế như chiến tranh Nga - Ukraine, xung đột tại Trung Đông hay căng thẳng Biển Đỏ", ông Cẩm nhìn nhận.

ong-trương-van-cam

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VITAS. Ảnh DĐDN

Trong dài hạn, theo ông Cẩm, doanh nghiệp dệt may có 2 áp lực. Đó chính là yêu cầu của các thị trường có rất nhiều thay đổi. Ví dụ, EU đưa ra chiến lược về thời trang bền vững, dệt may bền vững. Từ khâu thiết kế, họ đã yêu cầu thiết kế sinh thái, sản xuất và tiêu dùng cũng phải bền vững, thậm chí thải bỏ cũng phải bền vững. Trong thải bỏ, doanh nghiệp phải chứng minh được việc sử dụng và tái chế lại. Ngay cả hàng tồn kho doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm tái chế lại. Do đó, doanh nghiệp chịu rất nhiều áp lực.

Đối với nhiều khách hàng, nhãn hàng yêu cầu từ nay đến năm 2030 phải giảm được 30% lượng điện sử dụng, thay vào đó sử dụng điện tái tạo. Đến 2050, 100% sử dụng năng lượng tái tạo thì họ mới ký kết đơn hàng. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam được yêu cầu phải có lộ trình, phải chứng minh đến thời điểm đó họ cũng yêu cầu đã thực hiện được. Chẳng hạn điện áp mái cũng yêu cầu chưa làm được thì có thể thay bằng tín chỉ carbon và yêu cầu phải mua tín chỉ carbon..

Ngoài ra, vấn đề lao động cũng là gây khó khăn cho doanh nghiệp khi đơn hàng nhiều. Nguyên nhân thiếu lao động là vì nửa đầu năm 2023, gần 80.000 lao động ngành dệt may mất việc làm. Khi người lao động tìm được việc phù hợp thì họ không quay lại nữa. Các địa phương cũng có chính sách tuyển lao động đi hợp tác lao động. Thêm vào đó, chính sách về BHXH, bảo hiểm thất nghiệp cũng tạo ra biến động lao động cho doanh nghiệp. Việc tăng lương tối thiểu vùng vào tháng 7 tới cũng tạo áp lực cho doanh nghiệp.

Từ thực trạng trên, Phó Chủ tịch VITAS kiến nghị, Nhà nước đẩy nhanh việc triển khai chương trình 120 nghìn tỷ xây dựng nhà ở xã hội. Nếu người lao động tại các khu công nghiệp hay một vùng nào đó có nhà ở, con cái họ được học hành tại chỗ thì đương nhiên người lao động sẽ gắn bó với doanh nghiệp thay vì về quê. Việc xây dựng nhà ở xã hội rất nhân văn. Nếu thực hiện được mục tiêu xây 1 triệu căn hộ cho người lao động sẽ tác động tích cực đến doanh nghiệp và người lao động.

Với gói 40.000 tỷ đồng, VITAS đã có những kiến nghị tại các cuộc họp của Chính phủ. Theo ông Cẩm, với gói hỗ trợ này, lãi suất 2% không thực hiện được với các ngân hàng thương mại, đề nghị chuyển sang quỹ khác để hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, VITAS kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp dệt may đối diện nhiều thách thức trong dài hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO