Đó là chia sẻ của ông Phạm Công Bảy, nguyên Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra III - Tòa án nhân dân tối cao trong cuộc trò chuyện với Doanh nhân và Công lý mới đây.
Đầu tháng 8 vừa qua, ông chính thức nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Ông có thể chia sẻ một chút về cảm xúc của bản thân sau khi kết thúc thời gian làm việc trong hệ thống Tòa án và được nghỉ hưu theo chế độ? Ấn tượng lớn nhất đối với ông về nghề nghiệp, về công việc ông đã làm tại Tòa án - trung tâm hoạt động tư pháp, nơi thể hiện nền công lý là gì?
Ông Phạm Công Bảy: Sau 40 năm làm việc, nay được nghỉ hưu, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội hưu trí, tôi thật sự rất vui mừng. Tuy chưa thật mãn nguyện, nhưng tôi hài lòng về những năm tháng mình đã cống hiến; hài lòng về những việc đã làm; hài lòng với anh em đồng nghiệp trong đơn vị đã gắn bó, cùng với tôi nỗ lực làm việc và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Gần 30 năm làm công tác nghiên cứu, tham mưu trong giải quyết án lao động, hôn nhân và gia đình và hành chính theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, loại án nào cũng đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc. Có vui, có buồn; nhưng trên hết là sự đam mê, hứng thú với các vụ án khó, phức tạp, đặc biệt là án hành chính.
Thách thức lớn nhất mà ông gặp phải khi nghiên cứu, tham mưu trong lĩnh vực án hành chính là gì ạ?
Ông Phạm Công Bảy: Án hành chính là loại án khó. Cái khó của án hành chính thể hiện ngay ở loại quan hệ khiếu kiện. Đối tượng bị khiếu kiện là quyết định hành chính; hành vi hành chính của cơ quan nhà nước, của người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước.
Do đó, để xác định quyết định hành chính, hành vi hành chính bị kiện là trái pháp luật và hủy quyết định hành chính hoặc tuyên bố hành vi hành chính trái pháp luật, là việc không hề đơn giản. Vụ án đã được Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm xem xét, giải quyết, nhưng khi đương sự có đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hoặc cơ quan, người có thẩm quyền kiến nghị, thì cấp giám đốc thẩm, tái thẩm phải xem xét lại và không được phép sai sót.
Thực tiễn công tác giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính những năm qua cho thấy: Những bản án, quyết định của Tòa án phải xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm mà bản án, quyết định đó chấp nhận yêu cầu khởi kiện, thì không chỉ có cá nhân, tổ chức bị kiện có đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, mà còn có đề nghị, kiến nghị của nhiều cơ quan, tổ chức khác; kể cả cơ quan, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và cơ quan, tổ chức không có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án. Tất cả các đề nghị, kiến nghị đều khẳng định bản án, quyết định bị đề nghị xem xét lại là sai; tức là quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, Chủ tịch UBND là đúng đắn. Thực tế đó tự nó tạo thành áp lực và là áp lực không nhỏ đối với người làm công tác giám đốc thẩm, tái thẩm.
Quá trình thực hiện các nghiên cứu về án hành chính, ông nhận thấy những khó khăn chủ yếu mà các Tòa án gặp phải khi giải quyết các vụ án hành chính là gì?
Ông Phạm Công Bảy: Kết quả nghiên cứu thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính nhiều năm qua cho thấy một thực tế; đó là: Người bị kiện trong hầu hết các vụ án hành chính là UBND và/hoặc Chủ tịch UBND. Nhưng quá trình tố tụng trong rất nhiều vụ án, Chủ tịch UBND hoặc người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa; không cung cấp tài liệu, chứng cứ hoặc cung cấp tài liệu, chứng cứ không đầy đủ, không đúng thời hạn theo yêu cầu của Tòa án; không thi hành bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Tôi xin phép không bình luận về ảnh hưởng của tình trạng nêu trên đến chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính; mà chỉ muốn nhấn mạnh hai khía cạnh “tiêu cực” do tình trạng nêu trên gây ra. Đó là, sự không hợp tác của người bị kiện trong tham gia tố tụng và trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ tạo ra nhiều rủi ro cho các Thẩm phán khi được giao giải quyết vụ án hành chính; và về ý nghĩa xã hội, thì Tài phán hành chính không phát huy được tác dụng góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công vụ nói riêng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nói chung.
Ông có thể đưa ra dự báo về loại án hành chính ở Việt Nam trong những năm tới; đồng thời đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính?
Ông Phạm Công Bảy: Tôi cho rằng, xét về mặt số lượng, án hành chính sẽ liên tục tăng trong những năm tới. Theo tôi, đây là tất yếu khi các quan hệ kinh tế-xã hội vận động không ngừng, ngày càng đa dạng, phức tạp cả về quy mô và tính chất; trong khi hoạt động quản lý của nhà nước ngày càng được tăng cường, khiếu kiện hành chính sẽ tăng. Còn về loại khiếu kiện, tôi dự báo, ít nhất là trong khoảng 10 năm tới, án hành chính chủ yếu vẫn là khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nhà ở, xây dựng và thương mại, thuế.
Thời gian qua, nhiều đạo luật mới đã được ban hành; trong đó có Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, là những đạo luật điều chỉnh các quan hệ kinh tế-xã hội phổ biến, gắn liền với đời sống người dân và công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp.
Trong thời gian tới, hệ thống các văn bản pháp luật khác điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội sẽ tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để từng bước hoàn thiện. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xét xử, giải quyết các vụ án hành chính, tôi cho rằng cần khẩn trương triển khai nghiên cứu, tổng kết, để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tố tụng hành chính năm 2015; đồng thời tập trung ưu tiên công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về giải quyết án hành chính, từng bước xây dựng đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên chuyên nghiệp, tinh thông về nghiệp vụ giải quyết án hành chính.
Trong thời đại công nghệ số phát triển như hiện nay, ông đánh giá như thế nào về vai trò của công nghệ thông tin trong việc giải quyết các vụ án hành chính?
Ông Phạm Công Bảy: Tôi cho rằng công nghệ thông tin vừa là công cụ, vừa là phương thức để thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử. Đặc biệt, trong giải quyết các vụ án hành chính, công nghệ thông tin không chỉ là công cụ để nâng cao hiệu quả công tác xét xử, giải quyết các vụ án nói chung mà còn là một trong những giải pháp nhằm xử lý những tồn tại đang là điểm nghẽn trong giải quyết án hành chính.
Ngoài xét xử trực tuyến theo Nghị quyết 33/2021/QH15, công nghệ thông tin sẽ là điều kiện để từng bước triển khai việc đối thoại trực tuyến; cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ; cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án.
Xin trân trọng cảm ơn ông!