Pháp luật đời sống

Nhiễm mã độc do tải ứng dụng lậu, người dùng đối diện nhiều nguy cơ

Vũ Đậu 17/12/2024 22:34

Nếu bị mã độc tấn công, người dùng sẽ phải đối diện với rất nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ lớn nhất là mất cắp, lộ lọt dữ liệu công việc, dữ liệu cá nhân nhạy cảm.

3172023lua-dao-truc-tuyen-1-1-470.jpg
Ảnh minh họa.

Năm 2024, thế giới đã chứng kiến nhiều xu hướng mới, trong đó có sự chuyển dịch mục tiêu tấn công mã độc từ khu vực cá nhân sang tấn công tổ chức. Tuy nhiên, theo ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia (NCA), mặc dù mục tiêu có thể là tấn công tổ chức nhưng khi triển khai, các nhóm tin tặc luôn chọn tấn công người dùng để làm bàn đạp đầu tiên. Trong nhiều năm tới, người dùng cá nhân vẫn là mục tiêu ưa thích của các loại mã độc.

Theo khảo sát của NCA, có tới 23,40% người dùng bị tấn công bởi mã độc ít nhất một lần trong năm, gây ảnh hưởng nhiều đến công việc của họ, trong đó có tới 9,65% người dùng đã bị tấn công bởi mã độc mã hoá dữ liệu tống tiền.

Nguyên nhân phổ biến nhất khiến thiết bị nhiễm mã độc là do người dùng cài đặt ứng dụng từ các nguồn không rõ ràng. Nếu bị mã độc tấn công, người dùng sẽ phải đối diện với rất nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ lớn nhất là mất cắp, lộ lọt dữ liệu công việc, dữ liệu cá nhân nhạy cảm. Mã độc cũng có thể chiếm quyền điều khiển thiết bị, nằm vùng, theo dõi hoạt động của nạn nhân để gây thiệt hại lâu dài.

Theo NCA, có tới 31,36% người dùng thừa nhận từng tải phần mềm từ các đường link gửi qua email, chat hoặc mạng xã hội. Những đường dẫn này thường được kẻ xấu ngụy trang dưới dạng các nội dung hấp dẫn như “phần mềm miễn phí” hay “phần mềm bẻ khoá”, người dùng không cảnh giác nên vô tình tự cài đặt mã độc.

Trong năm 2024, thông qua hệ thống nTrust, NCA cho biết đã cập nhật trên 875.000 địa chỉ (IP), tên miền (domain) nguy hiểm. Trong đó phần lớn là các địa chỉ, tên miền phát tán mã độc.

Chuyên gia khuyến cáo, người dùng cần tránh tải xuống phần mềm từ các nguồn không rõ ràng, đặc biệt không tải từ các đường link nhận được qua chat, email. Khi có nhu cầu cài đặt phần mềm, hãy truy cập trực tiếp các kho ứng dụng chính thống hoặc các website được cung cấp chính thức của nhà sản xuất.

Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật hệ điều hành để vá các lỗ hổng, cài đặt các phần mềm diệt virus uy tín và sao lưu dữ liệu định kỳ để giảm thiểu thiệt hại khi bị tấn công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiễm mã độc do tải ứng dụng lậu, người dùng đối diện nhiều nguy cơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO