Pháp luật đời sống

Nhiều thủ đoạn lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm

Minh Đăng 17/12/2024 22:30

Báo cáo nghiên cứu từ Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, công bố ngày 16/12 cho thấy, cứ 220 người dùng thì có một người trở thành nạn nhân, tương đương tỷ lệ 0,45%. Tổng thiệt hại từ các vụ lừa đảo trực tuyến trong năm qua ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng.

Theo báo cáo, thiệt hại từ lừa đảo trực tuyến trong năm 2024 ước tính lên tới 18.900 tỷ đồng, là con số đáng báo động. Do đó, các cơ quan chức năng đã đưa ra những nhận diện về các hình thức lừa đảo trực tuyến, đặc biệt là các thủ đoạn thường được các nhóm đối tượng lừa đảo sử dụng dịp cuối năm để người dân nâng cao cảnh giác.

Cụ thể, hình thức tấn công người dùng của các đối tượng lừa đảo rất đa dạng và tinh vi. Trong đó, 3 hình thức phổ biến nhất năm 2024 gồm: Dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn.

Mới đây, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) công bố những hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến trong tuần từ ngày 09/12 đến 15/12 để khuyến nghị người dân cảnh giác.

Theo đó, các hình thức lừa đảo trực tuyến phổ biến là: Đánh cắp thông tin cá nhân, lừa đảo tình cảm, đến lừa đảo mạo danh website doanh nghiệp, lừa đảo đầu tư tài chính và những chiêu trò nhắm vào người mua sắm online dịp cuối năm.

Điển hình, thời gian gần đây, nhiều thương hiệu lớn đã đồng loạt cảnh báo người dân về tình trạng giả mạo doanh nghiệp để lừa đảo, đồng thời đề nghị các khách hàng của doanh nghiệp mình cẩn trọng khi cung cấp thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng.

Cụ thể, thủ đoạn thường được các nhóm đối tượng sử dụng là giả mạo là người lao động hoặc người nắm giữ các chức vụ quản lý cấp cao hoặc cổ đông hoặc đại lý của các thương hiệu này nhằm kêu gọi góp vốn đầu tư vào quỹ đầu tư, quỹ huy động vốn, quỹ phúc lợi... nhằm lừa đảo.

thiet-ke-chua-co-ten-2024-12-16t222123.473.png
Ảnh minh họa

Thông tin cụ thể về chiêu trò lừa đảo khi mua sắm online dịp cuối năm, Cục An toàn thông tin cho hay, lợi dụng tâm lý “săn sale”, các đối tượng xấu sẽ chủ động tiếp cận nạn nhân qua các email, tin nhắn khuyến mãi giả mạo từ các sàn thương mại điện tử quen thuộc như Shopee, Lazada, Tiki.

Bên cạnh đó, lợi dụng tính năng phân tích thói quen người dùng của các nền tảng mạng xã hội, đối tượng tạo các fanpage giả mạo hoặc website giả mạo giống hệt với trang chính thống của các thương hiệu lớn để tiếp cận nạn nhân qua quảng cáo về những sản phẩm mà nạn nhân đang quan tâm; từ đó dẫn dụ nạn nhân đặt mua với mức chiết khấu cao nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần tỉnh táo trước các thông tin giả mạo được lan truyền trên mạng xã hội, thận trọng khi giao dịch mua bán trên mạng xã hội hoặc qua hình thức trực tuyến khác.

Khi nhận được những lời giới thiệu từ đối tượng lạ, người dân cần chủ động xác minh danh tính của đối tượng, tổ chức trên các trang chính thống.

Người dân cũng không nên tin tưởng vào những lời mời chào đầu tư với lợi nhuận cao. Đồng thời, không nên chuyển khoản, không cung cấp mã OTP cho cá nhân không quen biết; không truy cập bất kỳ liên kết hoặc tệp đính kèm nào nhận được từ những nguồn không rõ ràng và tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hoặc mật khẩu trên các website không rõ nguồn gốc.

Người dân cần cảnh giác không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website, ứng dụng đầu tư tiền ảo. Đồng thời, chỉ tải các ứng dụng từ các cửa hàng ứng dụng chính thức (Google Play, App Store). Không tải ứng dụng từ các nguồn không rõ ràng tránh nguy cơ bị cài cắm mã độc, chiếm quyền điều khiển thiết bị dẫn đến bị chiếm đoạt tài sản và đánh cắp thông tin cá nhân; Không truy cập vào các đường dẫn lạ hoặc cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc thông tin thẻ tín dụng…

“Tuyệt đối không tin tưởng vào các lời mời đầu tư lợi nhuận cao; Không tham gia vào các nhóm kín hoặc cộng đồng trực tuyến dưới bất kỳ hình thức nào khi chưa xác minh được danh tính, uy tín của tổ chức, không rõ nguồn gốc; Không vội vàng chuyển tiền cho những đối tượng hoặc tổ chức lạ khi chưa xác minh được danh tính”, Cục An toàn thông tin khuyến cáo.

Khi nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần kịp thời báo cơ quan Công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều thủ đoạn lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO