Khi đi vào cuộc sống, những quy định mới trong Luật Đất đai 2024 được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý để phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, đa giá trị.
Luật Đất đai số 31/2024/QH15 (Luật Đất đai 2024) có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 (trừ khoản 2 và 3 Điều 252), sớm hơn 5 tháng so với thời điểm đã được quyết định trước đó là 01/01/2025.
Luật Đất đai 2024 gồm 16 chương; tăng 02 chương so với Luật Đất đai năm 2013; bổ sung 01 chương về Phát triển Quỹ đất. Tách riêng chương về Thu hồi đất, trưng dụng đất và chương về Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
So với Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới, mang tính đột phá. Giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai…
Thể chế hóa các quan điểm của Đảng, Luật Đất đai 2024 có những sửa đổi quan trọng về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, mà trước hết là quy định mở rộng đối tượng và phạm vi tiếp cận đất nông nghiệp.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các tổ chức kinh tế trong nước (hợp tác xã, doanh nghiệp) đang sử dụng 5,7% diện tích đất nông nghiệp (669.113ha). Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng 0,05% diện tích (5.992ha). Với nông hộ, khoảng 18,8 triệu người đang sử dụng 90% diện tích đất nông nghiệp, chủ yếu quy mô nhỏ...
Trên địa bàn cả nước hiện có hàng trăm nghìn héc ta đất nông nghiệp bỏ hoang. Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng...
Theo quy định của Luật Đất đai 2024, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa để sản xuất nông nghiệp. Quy định sẽ nhằm khuyến khích cá nhân có vốn, có khả năng về khoa học, công nghệ, kỹ thuật… đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Góp phần đa dạng hóa thành phần tham gia lĩnh vực này. Đồng thời qua đó, nâng cao năng lực, trình độ của tầng lớp nông dân.
Tuy nhiên, quy định này chỉ áp dụng đối với diện tích trong hạn mức giao đất nhằm hạn chế tình trạng thu gom đất, ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh phần lớn nông dân chưa có điều kiện chuyển đổi nghề nghiệp khỏi khu vực sản xuất nông nghiệp.
Do vậy, Luật Đất đai 2024 quy định, khi muốn mở rộng diện tích nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, các cá nhân nhận chuyển nhượng phải thành lập tổ chức kinh tế, đồng thời lập phương án sử dụng đất trình UBND cấp huyện phê duyệt. Bảo đảm tính chuyên nghiệp hóa của hoạt động sản xuất nông nghiệp, đồng thời qua đó, tạo việc làm cho nông dân tham gia sản xuất, ổn định cuộc sống.
Đối với người sử dụng đất nông nghiệp, tại Điều 47, Luật Đất đai 2024 cho phép được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh và không phải nộp thuế thu nhập từ việc chuyển đổi quyền sử dụng đất và lệ phí trước bạ.
Quy định này tạo điều kiện thuận lợi để nông dân chủ động chuyển đổi vị trí canh tác, chủ động trong dồn điền đổi thửa để xây dựng các mô hình sản xuất tập trung.
Bên cạnh đó, Luật cũng cho phép người sử dụng đất nông nghiệp được linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để sử dụng đất kết hợp đa mục đích. Được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Luật Đất đai 2024 đã bổ sung 2 điều (Điều 192 và Điều 193) quy định cụ thể về tập trung, tích tụ đất đai, trong đó làm rõ phương thức, nguyên tắc, trách nhiệm của các chủ thể khi thực hiện. Quy định về tập trung, tích tụ ruộng đất phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp quy mô lớn như hiện nay. Giúp các doanh nghiệp nông nghiệp có quỹ đất nông nghiệp phục vụ sản xuất và hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp “sạch” quy mô lớn tập trung.
Qua đó, thu hút đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa và công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng hóa quy mô lớn; gắn với phát triển các chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản.
Bên cạnh đó, Luật còn bổ sung loại đất chăn nuôi, tập trung vào nhóm đất nông nghiệp trong quy định về phân loại đất và làm rõ chế độ sử dụng đất chăn nuôi tập trung. Đây là đất xây dựng trang trại chăn nuôi tại khu vực riêng biệt theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.
Quy định này góp phần phát triển mạnh chăn nuôi tập trung trang trại thay cho chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình. Thúc đẩy chủ trương phát triển chăn nuôi thành một ngành sản xuất trụ cột trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp. Đồng thời, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong khu dân cư nông thôn.
Như vậy, Luật Đất đai 2024 có nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn quản lý và sử dụng đất, trong đó có những ảnh hưởng tích cực đến lĩnh vực nông nghiệp. Hướng tới nền nông nghiệp hàng hóa, bền vững và hiện đại, thúc đẩy phát triển nông nghiệp nông thôn trong bối cảnh đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.