Ngày 05/4, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 157 kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt.
Thủ tướng đánh giá hệ thống đường sắt trong thời gian tới có quy mô rất lớn, gồm nhiều dự án trọng điểm như đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, các đường sắt đô thị Hà Nội, TP.HCM, và các tuyến Lạng Sơn - Hà Nội, Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái...
Đây là cơ hội để chúng ta làm chủ công nghệ, phát triển sản xuất công nghiệp đường sắt. Mục tiêu là đến năm 2030-2045 phải phát triển được công nghiệp đường sắt (làm chủ sản xuất toa xe, đầu máy và hệ sinh thái liên quan công nghiệp đường sắt...).
Đối với dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng trong tháng 4 trình Chính phủ bổ sung cơ chế chỉ định thầu cho dự án để kịp trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trong tháng 5. Đồng thời, Bộ Xây dựng tập trung hoàn thiện các thủ tục để phấn đấu khởi công dự án vào cuối năm 2026. Bộ Xây dựng rà soát, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền về cơ chế chính sách để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án
Bộ Tư pháp cũng được giao nhiệm vụ sớm có ý kiến để Bộ Xây dựng ban hành nghị định về thiết kế tổng thể theo trình tự rút gọn trong tháng 4.
Với dự án tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trình Thủ tướng thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước trong tháng 4 để thẩm định cùng với quá trình lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, đáp ứng tiến độ khởi công vào tháng 12.
Thủ tướng đồng ý với kiến nghị Bộ Xây dựng khởi công gói thầu xây dựng hạ tầng ga Lào Cai mới và khởi công các khu tái định cư của dự án trong năm 2025.
Với dự án tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn và Hải Phòng - Hạ Long - Móng Cái, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chuẩn bị hồ sơ để sớm triển khai đồng bộ.
Với các dự án đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM, Thủ tướng chỉ đạo UBND TP. Hà Nội và UBND TP.HCM rà soát lại kế hoạch triển khai các tuyến, xác định rõ phương án huy động nguồn vốn cho từng dự án.
Đồng thời 2 thành phố phải có trách nhiệm phát triển công nghiệp đường sắt quốc gia; báo cáo kịp thời tình hình triển khai các dự án đường sắt đô thị tại địa phương cho Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo để cập nhật báo cáo chung.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư vào tháng 11/2024 với tổng vốn sơ bộ khoảng 1,7 triệu tỷ đồng (tương đương 67 tỷ USD).
Tuyến đường dài 1.541 km, bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), đi qua 20 tỉnh thành. Dự án được đầu tư mới với khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục, bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách và có khả năng vận tải hàng hóa khi cần thiết, đồng thời phục vụ mục tiêu quốc phòng, an ninh.