Cả nước hiện có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất. Doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động.
Ngày 26/3, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí Việt Nam gắn với việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam”.
Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận, làm rõ tiềm năng, thế mạnh cũng như những khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô và đường sắt.
Đồng thời, góp phần cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Thời gian vừa qua, nhận thức được sự quan trọng của ngành cơ khí và công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển ngành.
Song ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí, chế tạo phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, đường sắt của Việt Nam nói riêng còn nhiều hạn chế so với một số nước trong khu vực và thế giới, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.
Tỷ lệ nội địa hoá trong công nghiệp ô tô và đường sắt còn thấp; chủ yếu vẫn là linh kiện, phụ tùng đơn giản, hàm lượng công nghệ chưa cao, giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm; chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng, linh kiện.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh đất nước bước vào kỷ nguyên mới, để ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển cần cải cách thể chế theo hướng ngày càng thuận lợi, quyết liệt tháo gỡ về thể chế, có đột phá về cơ chế chính sách để doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực công nghiệp, có cơ chế chính sách mới về đất đai, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.
Cùng đó là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lớn trong nước tham gia dự án lớn, dẫn dắt doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển bằng việc xây dựng chuỗi cung ứng, hệ sinh thái doanh nghiệp; không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có chính sách vượt trội phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng các chương trình đào tạo gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.
Các chương trình về phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí cần có sản phẩm cụ thể, xây dựng khu công nghiệp, cụm công nghiệp hỗ trợ chuyên biệt, khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, bền vững...
Cả nước hiện có khoảng 3.100 doanh nghiệp ngành cơ khí chế tạo với 53.000 cơ sở sản xuất, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam. Doanh thu toàn ngành đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng, tạo việc làm cho trên 1,2 triệu lao động.
Nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong ngành đã đầu tư vào công nghệ CNC, tự động hóa, robot, in 3D và trí tuệ nhân tạo để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đặc biệt, một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn (như Thành Công, Thaco, Vingroup...) đã phát triển mạnh mẽ, trở thành những “đầu tàu” dẫn dắt trong lĩnh vực công nghiệp cơ khí, chế tạo và sản xuất, lắp ráp ô tô, góp phần đưa các sản phẩm mang thương hiệu Việt từng bước khẳng định chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước; đồng thời, tiến sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.