Từ việc triển khai Chuyên đề 66/CĐ-ĐTCB, lực lượng điều tra chống buôn lậu của Cục Hải quan đã phát hiện ba vụ việc điển hình, với thủ đoạn tinh vi và hậu quả tiềm tàng nghiêm trọng nếu không bị ngăn chặn kịp thời.
Các hành vi này cho thấy những lỗ hổng đang bị lợi dụng trong khâu quá cảnh, nhập khẩu nguyên liệu và ghi nhãn hàng hóa.
Gian lận xuất xứ núp bóng hàng quá cảnh
Ngày 24/4/2025, tại khu vực cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), Tổ công tác Đội 1 - Chi cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp cùng Chi cục Hải quan khu vực VI kiểm tra một lô hàng quá cảnh từ Trung Quốc đi Lào do nghi ngờ vi phạm trong khai báo hải quan.
Theo khai báo, lô hàng gồm 35 mục hàng. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế cho thấy chỉ có 2 mục phù hợp với nội dung khai báo, còn lại 33 mục có dấu hiệu sai phạm như khai sai nhãn hiệu, không rõ xuất xứ, thừa thiếu hàng hoặc hàng “ảo”.
Đặc biệt nghiêm trọng là việc phát hiện thêm 91 mục hàng hoàn toàn không khai báo, trong đó có 23 mục chứa hơn 5.000 sản phẩm gồm giày dép, áo thể thao, túi xách, đồng hồ… nghi giả mạo nhãn hiệu. Khoảng 2.000 sản phẩm, chủ yếu là giày dép, được gắn nhãn “Made in Viet Nam”. Nếu không bị ngăn chặn kịp thời, số hàng này có thể tiếp tục lưu thông tại thị trường nước ngoài, gây tổn hại lớn cho uy tín hàng hóa Việt Nam.
Nhiều mẫu hàng giả đội lốt hàng quá cảnh
Chỉ chưa đầy một tháng sau, ngày 13/5/2025, một vụ việc tương tự tiếp tục bị phát hiện tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh). Tổ công tác Đội 1 - Chi cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Hải quan khu vực VIII đã kiểm tra một lô hàng quá cảnh đi Campuchia do Công ty X đứng tên.
Theo hồ sơ khai báo ngày 11/5/2025, doanh nghiệp khai 11 mục hàng. Song thực tế kiểm tra cho thấy chỉ có 2 mục khớp với khai báo, còn lại 9 mục bị thiếu số lượng hoặc không có thật. Đáng chú ý, có tới 25 mục hàng không được khai báo, trong đó có 3 mục xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ: 3.200 đôi dép sục nhựa gắn nhãn Crocs (ghi “Made in Viet Nam”) và 1.720 chiếc áo thun nhãn Chanel, Dior, Loewe (ghi “Made in Thailand”).
Việc hàng giả mang nhãn hiệu nổi tiếng nhưng ghi xuất xứ sai lệch không chỉ vi phạm pháp luật sở hữu trí tuệ mà còn gây phương hại lớn đến hình ảnh thương mại và độ tin cậy của sản phẩm mang nhãn “Made in Viet Nam”, đặc biệt trong môi trường cạnh tranh quốc tế ngày càng khắt khe.
Gian lận trong nhập khẩu nguyên liệu sản xuất để hợp thức hóa xuất xứ
Vụ việc thứ ba xảy ra ngày 10/5/2025, tại cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn). Một lô hàng nhập khẩu theo loại hình E31 (nhập nguyên liệu để sản xuất hàng xuất khẩu) do doanh nghiệp có trụ sở tại Hà Nội thực hiện đã bị phát hiện nhiều sai phạm trong khai báo.
Doanh nghiệp khai báo nhập 57 mục nguyên liệu, nhưng kiểm tra thực tế cho thấy 53 mục có dán tem ghi thông tin kỹ thuật, nhà sản xuất… nhưng hoàn toàn không thể hiện xuất xứ. Ngoài ra, không có bất kỳ tài liệu nào chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.
Hành vi này vi phạm nghiêm trọng quy định về ghi nhãn hàng hóa và đặt ra nguy cơ bị lợi dụng để hợp thức hóa nguồn gốc nguyên liệu cho các sản phẩm xuất khẩu, gây rủi ro lớn về gian lận thương mại.
Cơ quan Hải quan đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và buộc doanh nghiệp đưa toàn bộ hàng hóa vi phạm ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Siết chặt kiểm soát xuất xứ hàng hóa
Theo Cục Hải quan, các hành vi gian lận ngày càng tinh vi, có tổ chức và thường lợi dụng hình thức quá cảnh, nhập khẩu nguyên liệu hoặc khai báo không đầy đủ để hợp thức hóa nguồn gốc hàng hóa. Những thủ đoạn này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh mà còn gây thiệt hại lớn cho hình ảnh thương hiệu quốc gia, có thể khiến hàng hóa Việt Nam đối diện với các biện pháp phòng vệ thương mại từ đối tác quốc tế.
Để chủ động kiểm soát, lực lượng Hải quan đã tăng cường phối hợp nội bộ và liên ngành, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phân tích dữ liệu để sàng lọc trọng điểm, xác minh khai báo, phát hiện hành vi khai sai, ghi nhãn mập mờ, hoặc giả mạo xuất xứ.
Cục Hải quan cũng kêu gọi sự hợp tác chủ động từ cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức liên quan. Một môi trường kinh doanh bền vững không thể được xây dựng nếu thiếu tính trung thực trong kê khai và ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ thương hiệu quốc gia.