Câu chuyện khởi nghiệp

VinVentures chọn chiến lược đầu tư “ươm mầm từ gốc”

Thiên Nhã 03/12/2024 21:42

Sự kiện ra mắt Quỹ đầu tư công nghệ VinVentures với tổng tài sản lên đến 150 triệu USD đã khẳng định vai trò tiên phong của Tập đoàn Vingroup trong việc thực hiện mục tiêu thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam.

Đáng nói, VinVentures lựa chọn chiến lược đầu tư “ươm mầm từ gốc”, tập trung vào các startup Việt ở giai đoạn đầu (giai đoạn hạt giống và giai đoạn Series A).

Thêm "cánh chim đầu đàn" dẫn dắt làn sóng đầu tư

Những tháng cuối năm 2024, hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam tiếp tục chứng kiến sự tăng tốc mạnh mẽ với sự quan tâm và hỗ trợ ngày càng lớn từ Chính phủ, các tập đoàn kinh tế lớn và cộng đồng đầu tư. Đặc biệt, Tập đoàn Vingroup với việc ra mắt Quỹ đầu tư công nghệ VinVentures với tổng tài sản lên đến 150 triệu USD đã khẳng định vai trò tiên phong trong việc thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam.

anh-3-2547.jpg
Quỹ VinVentures tập trung đầu tư vào các startup công nghệ có tính đột phá cao, đặc biệt là trong lĩnh vực AI và bán dẫn. (Ảnh minh hoạ)

Quỹ VinVentures tập trung đầu tư vào các startup công nghệ có tính đột phá cao, đặc biệt là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) và bán dẫn - hai lĩnh vực được coi là then chốt cho sự phát triển của nền kinh tế số. Với tổng tài sản đang quản lý là 150 triệu USD, trong đó 100 triệu USD là danh mục đã đầu tư kế thừa từ Vingroup và 50 triệu USD dự kiến giải ngân trong 3-5 năm tới, quỹ VinVentures lựa chọn chiến lược đầu tư "ươm mầm từ gốc", tập trung vào các startup Việt Nam ở giai đoạn đầu (giai đoạn hạt giống và giai đoạn Series A). Đây là giai đoạn mà các startup đang trong quá trình hình thành và phát triển ý tưởng, cần sự hỗ trợ về vốn, kinh nghiệm và mạng lưới để có thể "cất cánh".

Được biết, để được VinVentures "chọn mặt gửi vàng", startup cần đáp ứng những tiêu chí khắt khe về tiềm năng phát triển bền vững, sản phẩm, dịch vụ đột phá, và đội ngũ sáng lập giàu kinh nghiệm.

Về tiềm năng phát triển bền vững, startup phải chứng minh được mô hình kinh doanh khả thi, có khả năng tạo ra lợi nhuận, duy trì hoạt động trong dài hạn và mở rộng quy mô ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, hệ thống quản lý tài chính minh bạch cũng là yếu tố quan trọng.

Về sản phẩm, dịch vụ, startup cần sở hữu công nghệ tiên tiến, độc đáo, giải quyết các vấn đề thực tiễn của người dùng, đáp ứng nhu cầu thị trường và có khả năng thương mại hóa cao. Sản phẩm, dịch vụ phải mang lại giá trị thiết thực cho người dùng, giúp cải thiện cuộc sống hoặc nâng cao hiệu quả công việc.

Cuối cùng, đội ngũ sáng lập phải có tầm nhìn rõ ràng, am hiểu thị trường, có kiến thức chuyên môn sâu rộng, kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp và khả năng thích ứng, học hỏi không ngừng để dẫn dắt startup phát triển trong thị trường công nghệ luôn biến động.

1-1-.jpeg
Trọng điểm đầu tư của VinVentures là trí tuệ nhân tạo (AI); chất bán dẫn (Semiconductor) và điện toán đám mây (Cloud) và các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao. (Ảnh minh họa)

Dựa trên cam kết triển khai các thương vụ đầu tư dựa trên nguyên tắc chuyên nghiệp, minh bạch, VinVentures sẽ mua cổ phần và trở thành cổ đông của các startup tiềm năng, với kỳ vọng mang lại lợi nhuận cụ thể cho cả hai bên.

Thời gian từ khi startup nộp hồ sơ đến khi nhận được giải ngân khá nhanh chóng, chỉ từ 2 - 3 tháng, và tối đa 6 tháng với các thương vụ quy mô lớn. Bên cạnh việc góp vốn, VinVentures còn tạo điều kiện tối đa để các ý tưởng, sáng tạo công nghệ được hiện thực hóa, vươn ra thị trường Việt Nam và khu vực.

Theo bà Lê Hàn Tuệ Lâm, Giám đốc điều hành Quỹ VinVentures, bên cạnh góp vốn, giá trị đặc biệt mà VinVentures mang lại chính là khả năng kết nối với hệ sinh thái rộng lớn của Vingroup. Điều này không chỉ giúp startup có môi trường thẩm định, thử nghiệm sản phẩm mà còn mở ra cơ hội tiếp cận với lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ.

Đáng chú ý, ngoài ưu tiên cho thị trường nội địa, VinVentures cũng hướng đến việc mở rộng phạm vi đầu tư sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các thị trường có đặc điểm phát triển tương đồng với Việt Nam như Singapore, Indonesia và Philippines trong tương lai.

Những tín hiệu tích cực

Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Theo báo cáo Hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu (GESER 2023) của Startup Genome, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam hiện đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, với tác động kinh tế ước tính đạt 5,22 tỷ USD.

Sự tăng trưởng vượt bậc này cũng thể hiện ở số lượng startup tăng vọt từ con số 1.600 trong giai đoạn đại dịch COVID-19 lên hơn 3.800 ở thời điểm hiện tại, trong đó các startup về AI chiếm gần 10% tổng số lượng.

Báo cáo của Tổ chức Sở hữu trí tuệ cũng cho thấy chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm 2024 tăng 2 bậc lên vị trí 44/133 quốc gia. Đặc biệt, chỉ số đầu tư mạo hiểm có sự cải thiện đáng kể. Cụ thể, thứ hạng về số thương vụ đầu tư mạo hiểm tăng 27 bậc, xếp thứ 50/133 quốc gia; thứ hạng về số thương vụ nhận vốn đầu tư mạo hiểm tăng 10 bậc lên vị trí 44/133 quốc gia.

Những con số ấn tượng này cho thấy, môi trường đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam đang ngày càng được cải thiện, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

4..jpeg
Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Theo ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), sự cải thiện về chỉ số đầu tư mạo hiểm là kết quả của sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cũng như sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Việc triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia theo Quyết định số 844/QĐ-TTg cũng góp phần quan trọng trong việc nâng cao thứ hạng và chỉ số về đầu tư mạo hiểm. Thông qua đó, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý chính sách, đào tạo nâng cao năng lực cho khoảng 25.000 cá nhân, tổ chức trong hệ sinh thái, hỗ trợ khoảng 2.000 dự án, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, kết nối, hợp tác về khởi nghiệp sáng tạo với hàng chục đối tác quốc tế lớn như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Ngân hàng Thế giới (WB),... thu hút đa dạng nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực quốc tế, “đầu tư thiên thần” cho hệ sinh thái.

Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ cho biết thêm, để tiếp tục cải thiện chỉ số đầu tư mạo hiểm thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh các chính sách, hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, cần tiếp tục cải thiện trụ cột “thể chế”, trong đó ưu tiên thống nhất, đồng bộ hóa và luật hóa các vấn đề như chính sách sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, quy định rõ khái niệm, nội hàm về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, điều kiện, tiêu chí,... đối với việc thành lập, hoạt động của các tổ chức, cá nhân hoạt động, hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, gia hạn thực hiện đề án của Thủ tướng Chính phủ (Đề án số 844) hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo đến năm 2030.

Đầu tư vào các startup công nghệ luôn là chiến lược nhất quán của Vingroup trong quá trình dịch chuyển thành tập đoàn Công nghệ hàng đầu Việt Nam. Trước VinVentures, Vingroup cũng đã đầu tư cho nhiều startup công nghệ thông qua các Quỹ như Vingroup Ventures, VinTech City. Với nguồn lực mạnh từ tập đoàn, các startup đều phát triển thành công và có sản phẩm ra thị trường, thậm chí vươn lên vị thế hàng đầu trong lĩnh vực hoạt động như VinBigData, VinAI, VinBrain, VinCSS...

Thiên Nhã