Lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước được chi trả lương cao nhất 320 triệu đồng/tháng
Bộ Nội vụ vừa lấy ý kiến dự thảo Nghị định của Chính phủ về quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, người đại diện phần vốn nhà nước và kiểm soát viên trong doanh nghiệp nhà nước.
Theo dự thảo tờ trình của Bộ Nội vụ, nghị định này quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng của người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên tại doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên do Nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ.

Người đại diện chủ sở hữu trực tiếp, kiểm soát viên, người đại diện vốn làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp hưởng tiền lương, tiền thưởng do doanh nghiệp chi trả.
Với những trường hợp không làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp sẽ hưởng tiền lương, tiền thưởng do cơ quan đại diện chủ sở hữu chi trả và hưởng thù lao do doanh nghiệp chi trả.
Cũng theo Bộ Nội vụ, tiền lương, thù lao do doanh nghiệp chi trả tính chung trong quỹ lương của doanh nghiệp, trong đó có quy định yếu tố khách quan tác động trực tiếp đến lợi nhuận khi xác định tiền lương nhằm bảo đảm tiền lương, thù lao gắn với hiệu quả sản xuất, kinh doanh thực sự của doanh nghiệp.
Về mức tiền lương được hưởng, Bộ Nội vụ nêu rõ, trong trường hợp lợi nhuận thực hiện không thấp hơn kế hoạch thì được hưởng tối đa không quá 2 lần mức lương cơ bản (chủ tịch cao nhất có thể đạt 160 triệu đồng/tháng).
Đối với doanh nghiệp có lợi nhuận thực tế gấp 2 lần mức tối thiểu thì lương thực nhận tăng gấp 2,5 lần mức cơ bản (tối đa 200 triệu đồng/tháng); lợi nhuận gấp 3 lần thì lương tăng 3 lần so với mức cơ bản (tối đa 240 triệu đồng/tháng); lợi nhuận gấp 5 lần thì lương thực nhận tăng 4 lần so với mức cơ bản (tối đa 320 triệu đồng/tháng).
Doanh nghiệp mới thành lập hoặc mới đi vào hoạt động thì mức tiền lương trong năm đầu thành lập hoặc mới đi vào hoạt động tối đa không vượt quá mức lương cơ bản.
Doanh nghiệp mới thành lập trên cơ sở hợp nhất các doanh nghiệp, nếu mức tiền lương thấp hơn tiền lương thực tế ở mức cao nhất của các chức danh tương ứng của doanh nghiệp thành viên trước khi hợp nhất, thì được tính bằng mức tiền lương của các chức danh tương ứng đó.
Doanh nghiệp chỉ có hoạt động thực hiện sản phẩm, dịch vụ công thì được sử dụng chỉ tiêu khối lượng sản phẩm, dịch vụ công để đánh giá, xác định mức tiền lương.
Doanh nghiệp vừa có hoạt động thực hiện sản phẩm, dịch vụ công, vừa hoạt động sản xuất, kinh doanh (ngoài thực hiện sản phẩm, dịch vụ công) thì được lựa chọn xác định mức tiền lương theo hoạt động sản xuất, kinh doanh theo quy định.
Mức tiền lương của thành viên hội đồng, kiểm soát viên là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, người làm công tác cơ yếu không thấp hơn mức tiền lương theo chức vụ, chức danh, cấp hàm, ngạch, bậc, các khoản phụ cấp lương theo quy định của Chính phủ.
Mức thù lao của thành viên hội đồng, kiểm soát viên không chuyên trách được xác định dựa theo thời gian thực tế làm việc, nhưng tối đa không quá 20% mức tiền lương tương ứng của thành viên hội đồng, kiểm soát viên chuyên trách.